
Báo VietNamNet cho hay, liên quan đến vụ việc trên 100.000 hộp thực phẩm chức năng giả "Siro ăn ngon Hải Bé" được bán ra thị trường, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với Lê Văn Hải (29 tuổi, trú tại Ninh Bình) - chủ kênh TikTok "Gia đình Hải Sen", thành viên góp vốn Công ty TNHH Hải Bé về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Cơ quan CSĐT xác định, từ năm 2024 đến nay, Công ty TNHH Hải Bé đã bán qua các nền tảng mạng xã hội TikTok shop, Facebook, Shopee “Gia đình Hải Sen”, “Hải Sen” hơn 800.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm “Siro ăn ngon Hải Bé” được bán trên 100.000 hộp ra thị trường.
Kết quả giám định các chỉ tiêu chất lượng của “Siro ăn ngon Hải Bé” xác định các chất chính tạo nên công dụng sản phẩm gồm Vitamin A, Canxi, Vitamin C chỉ đạt dưới 70% so với công bố, theo quy định được xác định là "hàng giả".
Cũng theo điều tra, sản phẩm được một đơn vị có trụ sở tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (địa chỉ trước khi sáp nhập) sản xuất. Đơn vị này nằm trong chuỗi hệ sinh thái sản xuất nhiều thực phẩm chức năng, sữa cho trẻ em với số lượng lớn, doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của công ty cho thấy tất cả các chỉ số đều đảm bảo nhưng lại trái ngược với kết quả giám định của cơ quan chức năng.
Trung tá Đỗ Hải Lương - Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, do đơn vị sản xuất có chứng nhận đạt GMP tức là có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn nên tất cả các lô sản phẩm đều được đơn vị sản xuất tự kiểm nghiệm.
Tại cơ quan công an, các đối tượng liên quan đến vụ việc cũng khai nhận, mỗi tháng thu lợi từ 300-400 triệu đồng từ việc kinh doanh hàng giả. Mỗi gói "Siro ăn ngon Hải Bé" có chi phí sản xuất khoảng 40 nghìn đồng nhưng bán ra thị trường với giá gấp đôi.
Đối tượng Lê Văn Hải - Chủ kênh TikTok "Gia đình Hải Sen" cho biết: "Bản thân tin vào công ty nhiều quá, sau khi cơ quan chức năng kiểm định thì tôi mới biết và chủ động dừng lại. Tất cả do thiếu hiểu biết nên mới xảy ra tình trạng như vậy".
Cũng theo cơ quan điều tra, trong vụ việc còn có dấu hiệu trốn thuế khi doanh thu thực tế là hơn 100 tỷ đồng/ năm nhưng báo cáo thuế thường xuyên thua lỗ.
Trước đó, theo VnExpress, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu ngành y tế các địa phương rà soát, thu hồi toàn bộ sản phẩm "Siro ăn ngon Hải Bé" do cơ quan chức năng xác định là hàng giả.
Ngày 20/6, cơ quan này yêu cầu như trên trong bối cảnh Công an tỉnh Ninh Bình (cũ) khởi tố bị can, tạm giam Trần Đại Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Bé và Lê Văn Hải (thành viên góp vốn của công ty) về tội Buôn bán hàng giả là thực phẩm, theo điều 193, Bộ luật Hình sự.
"Rà soát, kiểm tra và thu hồi toàn bộ sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Siro ăn ngon Hải Bé là hàng giả đang còn trên thị trường", Cục này yêu cầu và đề nghị ngành y tế các địa phương phối hợp Công an tỉnh Ninh Bình xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này trong lúc các cơ quan chức năng đang xác minh.
Nhà chức trách cáo buộc, hai năm qua, tài khoản Tiktok "Gia đình Hải Sen" của Hải và Phúc thường xuyên đăng tải các video bán nhiều mặt hàng là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trong đó nhiều nhất là loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe tên "Siro ăn ngon Hải Bé". Người dùng sau đó có nhiều phản hồi tiêu cực nên kênh này "vào tầm ngắm" của cơ quan điều tra.
Khám trụ sở Công ty TNHH Hải Bé ở xã Văn Phú, huyện Nho Quan (cũ), công an thu hàng trăm kiện hàng là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.