Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thót tim với khúc cua 90 độ của chiếc cầu vượt 54 tỷ đồng ở Ấn Độ: Đình chỉ hàng loạt kĩ sư, dân mạng hoang mang

Dự án cầu vượt đường sắt ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, tiêu tốn hơn 54 tỷ đồng nhưng lại gây tranh cãi dữ dội vì thiết kế khúc cua gấp đến 90 độ, khiến 7 kỹ sư bị đình chỉ công tác.

Cầu vượt "khó hiểu" khiến 7 kỹ sư bị đình chỉ, công ty thiết kế bị “cấm cửa”

Cây cầu nói trên có tên gọi là Rail Over Bridge, được xây dựng tại thành phố Bhopal, thủ phủ bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ. Dự án được công bố cách đây 10 năm với mục tiêu cải thiện kết nối giữa các khu vực Mahamai Ka Bagh, Pushpa Nagar và khu vực ga tàu với New Bhopal.

Tuy nhiên, thay vì mang lại thuận tiện giao thông như kỳ vọng, cây cầu trị giá 200 triệu rupee (tương đương khoảng 54 tỷ đồng) này lại trở thành đề tài tranh cãi khi một đoạn cua gần như vuông góc 90 độ xuất hiện ngay trên cầu. Hình ảnh của khúc cua bất thường nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Ấn Độ, khiến nhiều người bày tỏ lo ngại về mức độ an toàn và tính hợp lý trong thiết kế.

Một số cư dân mạng không khỏi kinh ngạc: "Đây là một cây cầu hay trò đùa? Làm sao có thể lái xe qua đó an toàn với một khúc cua như vậy?". Một người khác mỉa mai: "Chắc phải học lái như tay đua F1 mới dám qua cầu này".

1-1751426536.jpg
 

Ngay sau khi hình ảnh cây cầu gây xôn xao, Thủ hiến bang Madhya Pradesh, ông Mohan Yadav, đã yêu cầu mở cuộc điều tra. Kết quả ban đầu khiến công chúng thêm bất bình: 7 kỹ sư, trong đó có 2 kỹ sư trưởng, đã bị đình chỉ công tác, trong khi một kỹ sư giám sát đã nghỉ hưu cũng bị đưa vào diện điều tra.

“Bảy kỹ sư, bao gồm hai kỹ sư trưởng, đã bị đình chỉ ngay lập tức. Một cuộc điều tra nội bộ cũng sẽ được tiến hành với kỹ sư giám sát đã nghỉ hưu,” ông Yadav tuyên bố.

Đơn vị thiết kế và công ty kiến trúc phụ trách dự án đều bị chính quyền đưa vào danh sách đen, cấm tham gia các dự án công trình trong tương lai. Giới chức khẳng định đây là hậu quả nghiêm trọng từ việc đệ trình thiết kế cầu không phù hợp và thiếu an toàn.

Lý do “hết đất” không thuyết phục

Kỹ sư trưởng VD Verma, người phụ trách dự án, sau đó đã lên tiếng bảo vệ quyết định thiết kế khúc cua 90 độ. Ông cho rằng nhóm của ông không có lựa chọn nào khác vì quỹ đất hạn chế và khu vực gần đó có một nhà ga tàu điện ngầm, khiến không thể mở rộng không gian hợp lý hơn.

Tuy nhiên, lập luận này không xoa dịu được dư luận. Chính quyền địa phương hiện đang xem xét phương án mua thêm đất để cải tạo lại cây cầu và xây dựng đoạn cua mới an toàn hơn.

Dự án Rail Over Bridge dài 648 mét, được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ tình trạng chờ đợi tại các điểm giao cắt đường sắt và rút ngắn thời gian di chuyển cho khoảng 300.000 người dân mỗi ngày. Tuy nhiên, đến nay, thay vì phục vụ giao thông, cây cầu này lại trở thành biểu tượng của thiết kế “phi lý” và lãng phí công quỹ.

Người dân Bhopal cho biết họ “không dám đi thử” cây cầu này vì sợ gặp nguy hiểm ở khúc cua “tử thần”.

Vụ việc tại Bhopal đang dấy lên làn sóng yêu cầu rà soát lại chất lượng và trách nhiệm trong các công trình công cộng tại Ấn Độ, đặc biệt là những công trình có vốn đầu tư lớn.

Nhiều chuyên gia giao thông khuyến nghị cần có cơ chế giám sát độc lập trong khâu thiết kế và nghiệm thu công trình, nhằm tránh những sai sót có thể gây hậu quả nghiêm trọng về an toàn và tài chính.

NB (Theo ODD)