
Sáng 14/5 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái thời gian qua; phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.
VOV.vn đưa tin, báo cáo tại cuộc họp cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34 nghìn vụ việc vi phạm. Trong đó, có hơn 8 nghìn vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25 nghìn vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1 nghìn vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4 nghìn 800 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1 nghìn 400 vụ, hơn 2 nghìn đối tượng.
Tại phiên họp, đại diện các bộ ngành chức năng phân tích các phương thức, thủ đoạn phổ biến như: lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hoá quá cảnh, chuyển cửa khẩu, loại hình miễn thuế đối với hàng hoá tạm nhập tái xuất… để trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch, để buôn lậu, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, đối tượng tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Bùi Văn Khắng nêu rõ: "Thuốc chữa bệnh, sữa giả, thực phẩm, mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc vào Việt Nam rất nhiều bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ, cửa khẩu cả chính ngạch và đường biên giới. Hành vi vi phạm những phương thức của các đối tượng này chủ yếu là khai sai về tên hàng, số lượng, sai về trị giá, sai về nguồn gốc xuất xứ; lợi dụng che giấu để buôn bán, vận chuyển trái phép qua đường biên, che giấu trên phương tiện xuất nhập cảnh."
Để chấn chỉnh tình trạng gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, đặc biết là thuốc, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… đại diện Bộ Y tế cho biết đã vào cuộc quyết liệt, triệt để, đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế và người có ảnh hưởng không tham gia hoạt động quảng cáo; đặc biệt khi xử lý vi phạm quảng cáo thì xử lý doanh nghiệp đăng ký quảng cáo, đơn vị tổ chức quảng cáo và người tham gia quảng cáo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: "Chúng tôi theo dõi thấy ngay trong ngành y tế các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các nhà có kinh nghiệm trong lúc làm việc thì phản đối rất mạnh, nhưng sau đó tham gia quảng cáo trên các mạng xã hội. Vấn đề này, Bộ Y tế thống nhất đề nghị kêu gọi tất cả cán bộ, các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế đã công tác giờ nghỉ hưu thì không tham gia quảng cáo."
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thời gian tới Bộ tập trung hoàn thiện pháp luật, tập trung xây dựng Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, đặc biệt là kiểm tra, xử lý triệt để hành vi vi phạm bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kiến nghị: "Cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ dữ liệu nhằm quản lý phòng ngừa và xử lý sớm các vi phạm. Thứ hai cần phải có giải pháp đánh giá rủi ro. Đồng thời tập trung triển khai, rà soát, bám sát thị trường, bám sát địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các đối tượng kinh doanh trên nền tảng xã hội."
Báo Dân trí cho hay, Kết luận cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sáng 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình thời gian tới có thể diễn biến phức tạp hơn.
Vì vậy, ông quán triệt mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền…
Đây là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, tăng cường quản lý Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, huy động sự vào cuộc của nhân dân, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo vệ sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, người tiêu dùng phải được đặt lên trên hết, trước hết.
Khẳng định đây là vấn đề được người dân rất quan tâm, ảnh hưởng tới sức khỏe, quyền lợi nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh phải tạo chuyển biến đột phá trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả.
Trước hết, Thủ tướng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Các địa phương thành lập tổ công tác do chủ tịch UBND làm tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện các ngành để triển khai đợt cao điểm trong thời gian từ ngày 15/5 đến 15/6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết...
Người Lao Động thông tin thêm, về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, không để khoảng trống pháp lý, không vì sắp xếp tổ chức, bộ máy, địa giới hành chính mà buông lỏng quản lý.
Bộ Công an được yêu cầu chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập các chuyên án, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa…
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương lực lượng công an đã có nhiều nỗ lực, bám sát tình hình, triển khai công tác nghiệp vụ và nêu rõ nhiệm vụ của ngành công an thời gian tới còn rất nặng nề trong công tác này.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh Bộ Công Thương cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chịu trách nhiệm chính, chủ trì, phối hợp với các cơ quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại.
Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành thuộc các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm cấp phép, quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt chú ý các mặt hàng như thuốc chữa bệnh, sữa, lương thực, thực phẩm...
Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc, đặc biệt là kiểm soát không để thuốc giả, thuốc nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam, đóng vai trò chủ lực, cương quyết đấu tranh và đẩy lùi, chấm dứt tình trạng thuốc giả, coi việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết.
Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cơ quan này được yêu cầu nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý những người lợi dụng uy tín của mình để quảng cáo sai sự thật, nhất là trên môi trường mạng; cùng các cơ quan liên quan ngăn chặn những quảng cáo sai sự thật kiểu "thuốc chữa bách bệnh".
Thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn, kiểm soát, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái qua biên giới.