Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ "thổi phồng" thành "thần dược", sữa Hikid quảng cáo "100g bằng 20 lít sữa tươi": Bộ Y tế nói gì?

Cục An toàn thực phẩm đề nghị kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sản phẩm Nutri Brain IQ và sữa Hikid.

Thông tin từ Dân Trí, trong công văn gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm trích dẫn bài báo phản ánh Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ "thổi phồng" thành "thần dược" chữa bệnh tự kỷ.

Cơ sở được phản ánh trong bài báo nêu trên nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo vi phạm sản phẩm được nêu trong bài báo (nếu có) và báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm.

Bộ Y tế đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ. Ảnh minh hoạ/Báo Thanh Tra

Bộ Y tế đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ. Ảnh minh hoạ/Báo Thanh Tra

Theo thông tin được đăng tải, núp bóng thực phẩm bổ sung, Nutri Brain IQ được quảng cáo rầm rộ như một “thần dược” giúp trẻ tự kỷ nhanh chóng hồi phục. Sản phẩm Nutri Brain IQ quảng cáo được sản xuất tại Nhật Bản và có công dụng như thuốc chữa bệnh “rối loạn phổ tử kỷ” nhằm đánh vào tâm lý lo lắng của nhiều bậc cha mẹ có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, báo Công an Nhân Dân cho biết.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng có văn bản yêu cầu kiểm tra sản phẩm sữa Hikid vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh trên báo chí về việc sản phẩm sữa Hikid quảng cáo trong một clip, so sánh "100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi".

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sản phẩm vi phạm đã nêu trong bài viết.

Như đã đưa tin, gần đây, Bộ Công an triệt vừa phá đường dây sản xuất quy mô lớn sữa bột giả chuyên sản xuất sữa cho người bệnh, bà bầu, trẻ nhỏ với gần 600 sản phẩm giả.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng về việc rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.

Cục An toàn thực phẩm cho biết theo phân cấp, vấn đề hậu kiểm do UBND các tỉnh phụ trách. Nghị định 15-2018 quy định toàn bộ từ tiếp nhận công bố, quảng cáo, kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm… do cơ quan chuyên môn của UBND các tỉnh phụ trách, theo báo Người Lao Động.

Mộc Miên