Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Thương tâm câu chuyện người thầy van xin sớm có “quyền được chết”

Nathaniel Dye, 38 tuổi, một thầy giáo âm nhạc đã chia sẻ câu chuyện về bệnh ung thư của mình trong buổi ra mắt bản tuyên ngôn của Đảng Lao động, đồng thời cầu xin trao quyền cho người dân nếu họ muốn chủ động kết thúc cuộc sống.

Mirror đưa tin ngày 10/11, ông Dye hiện đang mắc ung thư ruột giai đoạn 4, không thể chữa khỏi và đã di căn đến gan, phổi và não. Ông tin rằng việc cho phép những người mắc bệnh nguy kịch có quyền lựa chọn kết thúc cuộc sống bằng các phương pháp trợ giúp là điều "tử tế" và "đầy lòng từ bi".

Ông đưa ra lời kêu gọi khi tham gia dự thảo hợp pháp hóa các phương pháp trợ tử. Dự kiến kết quả sẽ được công bố đầy đủ vào thứ Ba, trước cuộc bỏ phiếu đầu tiên về vấn đề này vào ngày 29/11.

2-1731303060.png
Nathaniel Dye chia sẻ câu chuyện về căn bệnh ung thư của mình trong buổi ra mắt bản tuyên ngôn của Đảng Lao động (Ảnh: Ian Vogler / Daily Mirror).

Trong một cuộc phỏng vấn với Mirror, ông Dye đã kể về cơn đau “khủng khiếp như một cơn sóng thần” mà ông đã trải nghiệm khi bị tắc ruột vào tháng Giêng năm ngoái. Ông chia sẻ: “Tất cả trong đầu tôi chỉ là tiếng rên rỉ. Tôi chỉ biết gọi tên mẹ mình, dù bà đã qua đời từ lâu. Cơn đau đã khiến bạn đánh mất đi chính mình”.

Hiện nay, ông Dye đã hợp tác với nhóm vận động Dignity in Dying sau khi nghe những câu chuyện đau lòng về cái chết - trong đó có câu chuyện của một giáo viên âm nhạc bị tắc ruột và chết vì nôn mửa.

“Tôi không thể không tưởng tượng nổi nếu đó là mình”, ông nói. “Nếu có cách nào để tránh cái chết khủng khiếp như vậy, khi mà ai cũng biết rằng người đó sẽ chết và mọi người đều đồng ý, liệu chúng ta có thể xem xét vấn đề này không?”.

1-1731303117.png
Nathaniel Dye, được chụp hình tại bệnh viện sau ca phẫu thuật gan vào tháng Sáu, đã đưa ra lời kêu gọi đến các nghị sĩ về việc hợp pháp hóa các phương pháp trợ giúp kết thúc cuộc sống. (Ảnh: Nathaniel Dye)

Ông Dye cho biết ông không có gì oán trách với Bộ trưởng Y tế Wes Streeting, người tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối việc thay đổi luật vì lo ngại rằng việc chăm sóc bệnh nhân "chưa đủ tốt để mang lại sự lựa chọn đúng đắn cho người bệnh".

Tuy nhiên, ông Dye cũng nói thêm: "Tôi muốn tin rằng việc chăm sóc, giảm đau cho bệnh nhân có thể được cải thiện, cũng như phương pháp trợ tử sẽ trở thành một lựa chọn của bệnh nhân”.

“Giả sử tôi đang chịu rất nhiều đau đớn mà ngay cả liều thuốc tốt nhất cũng không thể làm gì được, tôi có thể chủ động lựa chọn điều tốt nhất cho tôi và gia đình”, ông Dye chia sẻ.

3-1731303117.png
Nghị sĩ Đảng Lao động Kim Leadbeater (ở giữa) cùng các nhà vận động của Dignity in Dying bên ngoài Quốc hội (Ảnh: PA).

Dự luật về các phương pháp trợ giúp kết thúc cuộc sống của nghị sĩ Đảng Lao động Kim Leadbeater dự kiến sẽ đề xuất trao quyền cho những người mắc bệnh hiểm nghèo, có ít hơn sáu tháng sống, quyền rút ngắn thời gian sống nếu họ muốn. Các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt được cho là sẽ bao gồm yêu cầu bệnh nhân phải có khả năng tư duy để đưa ra quyết định, và phải có sự xác nhận từ hai bác sĩ cùng một thẩm phán đối với mỗi trường hợp.

Một số y tá đã gửi bức thư, được Dignity in Dying công bố, kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ dự luật này. Những người ký tên, bao gồm hai y tá chăm sóc giảm đau, một y tá đa khoa và một trợ lý y tá cao cấp cho biết: "Chúng tôi cùng chia sẻ một nguyện vọng duy nhất, đó là tất cả chúng ta đều mong muốn có sự lựa chọn.

Đối với hầu hết mọi người, chăm sóc giảm đau tại bệnh viện, nhà chăm sóc hoặc tại nhà sẽ giúp họ có được cái chết mà họ mong muốn. Nhưng chúng tôi cảm thấy mình phải lên tiếng vì những người mà chăm sóc giảm đau không thể làm giảm nỗi đau, hoặc không thể mang lại cái chết bình yên và không đau đớn mà ai cũng xứng đáng có được."

Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân lên tiếng phản đối dự luật này, bao gồm cả Tổng giám mục Canterbury Justin Welby và nữ diễn viên Liz Carr.

Tiến sĩ Gordon Macdonald, giám đốc điều hành của Care Not Killing, khẳng định các nghị sĩ phải bác bỏ dự luật này, cho rằng "luật an toàn nhất là luật hiện tại".

Vị tiến sĩ nêu quan điểm: "Dự luật này đang được thông qua với tốc độ quá nhanh, nó đã bỏ qua những vấn đề sâu sắc trong hệ thống chăm sóc giảm đau của Anh, vốn đã bị đổ vỡ và thiếu đồng bộ, khủng hoảng trong chăm sóc xã hội. Dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới cũng cho thấy, việc thay đổi luật sẽ tạo ra áp lực đối với những người dễ bị tổn thương, khiến họ phải kết thúc cuộc sống của mình.”

Ngọc Bảo (Theo Mirror)