Đoạn đường xảy ra vụ tai nạn có độ dốc (Ảnh: Văn Nguyễn).
Báo Dân trí đưa tin, trưa 27/7, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh chủ trì cuộc họp đánh giá nguyên nhân, triển khai khắc phục hậu quả vụ tai nạn xe khách xảy ra trên quốc lộ 1, đoạn qua phường Sông Trí khiến 10 người tử vong, 15 người bị thương.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh tại cuộc họp, chủ xe, lái xe chưa xuất trình được phù hiệu xe chạy tuyến cố định.
Vụ lật xe khách 10 người chết: Mưa, đường dốc nhưng tài xế chạy quá tốc độ - 1
Các đại biểu tham dự cuộc họp (Ảnh: Thành Châu).
Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông là do tài xế điều khiển xe khách chạy quá tốc độ 99/80km/h trong điều kiện thời tiết mưa, mặt đường trơn trượt, có độ dốc. Vì thế, khi phát hiện xe mất thăng bằng, tài xế không kiểm soát được phương tiện dẫn đến tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và tạm giữ hình sự đối với Lê Ngọc Thành (SN 1989, trú tại phường Đông Quang, tỉnh Thanh Hóa).
Công an tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, các đơn vị có liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, kết luận nguyên nhân vụ tai nạn giao thông để đề nghị truy tố, xét xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu công an cần phối hợp các đơn vị, địa phương xác định cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ tai nạn.
Thông tin trên báo Tiền phong, trong vụ tai nạn xe khách giường nằm biển kiểm soát 43F - 007.76 vào rạng sáng 25/7 của nhà xe Tân Kim Chi khiến 10 người tử vong tại Hà Tĩnh, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) thông tin xe khách này không đăng ký kinh doanh và đã bị thu hồi phù hiệu, nhưng chủ xe vẫn đưa xe khách vào hoạt động kinh doanh vận tải, dẫn đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Liên quan đến phù hiệu xe kinh doanh vận tải, thời gian qua có một số ý kiến đã đề xuất bỏ quy định xe kinh doanh vận tải phải dán phù hiệu. Tuy nhiên, Cục ĐBVN khẳng định cần quy định về cấp phù hiệu theo quy định tại Nghị định số 158/2024 của Chính phủ, về hoạt động vận tải đường bộ.
Theo Cục ĐBVN, Luật Đường bộ năm 2024 đã phân định rõ rằng có 4 loại hình kinh doanh vận tải gồm kinh doanh vận tải tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải khách bằng xe taxi, vận tải khách hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới. Mỗi một loại hình đều có quy định và điều kiện kinh doanh khác nhau.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định rằng xe hoạt động kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển số xe nền màu vàng. Nếu có nguyện vọng muốn kinh doanh vận tải thì khi đăng ký xe, chủ xe tự khai đăng ký theo biển số màu vàng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sau khi đăng ký xe có biển số màu vàng mà chủ xe không làm thủ tục đăng ký kinh doanh và xe chưa được cấp phù hiệu thì xe đó vẫn chưa là xe kinh doanh hợp pháp. Nguyên nhân là do đăng ký biển xe màu vàng thì chỉ xác định chung là xe kinh doanh chứ chưa phân biệt được xe kinh doanh loại hình vận tải nào. Vì vậy, cần quy định về cấp phù hiệu để phân biệt loại hình kinh doanhcủa xe.
Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Hoàng Tuấn Vũ - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho biết, theo Nghị định 158/2024, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đăng ký để được cấp phù hiệu cho từng xe tham gia kinh doanh vận tải.
Theo luật sư Vũ, với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì phải bảo đảm đúng quy định tại khoản 10 Điều 56 Luật Đường bộ. Đồng thời, ô tô phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” theo Mẫu số 06 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định 158/2024 và được dán cố định tại góc trên bên phải, ngay sát phía dưới vị trí của tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải niêm yết đầy đủ các thông tin khác trên xe theo quy định.
Vị luật sư nhấn mạnh, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “Xe hợp đồng” là 6x20cm theo Mẫu số 07 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định 158/2024. Trường hợp niêm yết bằng thiết bị điện tử phải bảo đảm cụm từ “Xe hợp đồng” luôn được bật sáng và có kích thước tối thiểu là 6x20cm.
Còn báo Dân trí cũng cho hay, theo lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, xe khách 43F-007.xx trước đây từng được cấp phù hiệu vận tải tuyến cố định Đà Nẵng - Đà Lạt. Tuy nhiên, đến ngày 16/7, phù hiệu của xe khách này đã bị cơ quan chức năng thu hồi.
Còn ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cũng xác nhận, xe khách biển số 43F-007.xx trước đây từng đăng ký tuyến cố định tại bến xe trung tâm Đà Nẵng.
Tuy nhiên, thời gian qua, xe này không còn đăng ký, hoạt động tại bến xe Đà Nẵng.
Trước đó, vào khoảng 2h10 ngày 25/7, xe khách giường nằm của nhà xe Tân Kim Chi mang biển kiểm soát 43F-007.xx do tài xế Lê Ngọc Thành điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 1 từ Hà Nội đi Đà Nẵng.
Khi tới tổ dân phố Đông Trinh, phường Sông Trí (thị xã Kỳ Anh cũ), tài xế bị mất lái nên xe va vào cột mốc, mương thoát nước và cột điện cao áp dẫn đến lật. Xe tiếp tục trượt xuống bãi đất trống bên đường.
Trên xe có 28 người, gồm 26 hành khách, một tài xế và một phụ xe. Vụ việc khiến 10 người tử vong, 15 người bị thương. Trong đó, cơ quan chức năng xác định 7 người tử vong tại chỗ, 2 người chết trên đường đi cấp cứu.
Một trường hợp sau khi đến bệnh viện do vết thương quá nặng, gia đình xin về và tử vong tại nhà.
Đến nay, 14 người bị thương đã xuất viện, một trường hợp nặng được chuyển tuyến đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong sáng 25/7 đã thăm hỏi, hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử vong số tiền 25 triệu đồng và mỗi hành khách bị thương 5 triệu đồng. Công an tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ 10 triệu đồng cho mỗi gia đình có người tử vong và 5 triệu đồng cho người bị thương.