
Vào tháng 8 năm 2023, một vụ kiện dân sự tại huyện Đằng, thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý khi liên quan đến mâu thuẫn giữa người vợ hợp pháp và người phụ nữ có quan hệ ngoài luồng với chồng.
Theo hồ sơ vụ án, nguyên đơn là Vương Nguyệt – người đang sống cùng bạn trai là Hồ Minh tại một căn nhà thuê ở huyện Đằng – đã phát hiện một chiếc camera giám sát được lắp đặt bí mật trong nhà. Thẻ nhớ của thiết bị này chứa nhiều video ghi lại cuộc sống riêng tư của cô và Hồ Minh, bao gồm cả những hình ảnh nhạy cảm. Đáng chú ý, các tập tin video này còn được đồng bộ lên máy chủ trực tuyến và đã có nhiều lượt truy cập.
Sau quá trình tìm hiểu, Vương Nguyệt phát hiện camera do vợ của Hồ Minh – bà Lê Thiến – cùng hai người em họ của bà này lắp đặt. Từ tháng 9 đến tháng 10/2023, Lê Thiến nhiều lần đăng ảnh chân dung, ảnh đời thường và video riêng tư của Vương Nguyệt lên tài khoản Douyin và WeChat cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và cuộc sống cá nhân của cô.
Dù đã trình báo cảnh sát và được yêu cầu gỡ bỏ nội dung liên quan, Lê Thiến từ chối hợp tác. Trước tình hình đó, Vương Nguyệt khởi kiện Lê Thiến và hai người em họ tại Tòa án Nhân dân huyện Đằng, yêu cầu:
Phía bị đơn – bà Lê Thiến – lập luận rằng căn nhà nói trên do chồng bà thuê, nên việc lắp đặt camera là hợp pháp nhằm bảo vệ sự an toàn cho con cái. Sau khi phát hiện Hồ Minh ngoại tình, bà công khai video để ngăn chặn hành vi trái đạo đức của chồng, cho rằng hành động này là chính đáng. Hai người em họ của bà Thiến cũng bác bỏ cáo buộc, cho rằng không liên quan đến hành vi xâm phạm quyền cá nhân và yêu cầu bồi thường là thiếu căn cứ pháp lý.
Tòa án huyện Đằng cho rằng Vương Nguyệt biết rõ Hồ Minh đã có gia đình nhưng vẫn phát triển quan hệ không chính đáng, điều này vi phạm đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục, khiến cô có lỗi trong mối quan hệ tay ba. Tuy nhiên, tòa cũng khẳng định rằng:
Việc lắp camera giám sát bí mật trong không gian sống riêng tư và phát tán hình ảnh cá nhân lên mạng đã xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư, danh tiếng và quyền chân dung của Vương Nguyệt.
Mặc dù hành động của Lê Thiến nhằm bảo vệ hôn nhân và lợi ích cá nhân, cách thực hiện đã vượt quá giới hạn pháp luật cho phép và bà phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Tuy nhiên, vì Vương Nguyệt là người có lỗi trước và không cung cấp được bằng chứng cụ thể chứng minh tổn thất tinh thần nghiêm trọng, Tòa án bác yêu cầu xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại tinh thần, chi phí luật sư. Tòa chỉ yêu cầu bị đơn xóa ngay toàn bộ nội dung liên quan đã đăng trên mạng xã hội.
Trước đó, báo Dân trí cũng từng đăng tải một câu chuyện tương tự. Tháng 12/2013, người đàn ông họ Han, sống tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) kết hôn với cô Yang và có với nhau hai cô con gái.
Sau đó, Han bị bắt quả tang ngoại tình, có con với nữ đồng nghiệp họ Shi khi hai người hợp tác kinh doanh.
Để "thay thế" cô Yang trở thành vợ hợp pháp của Han, Shi đã đến gặp và đề nghị trả 280.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) nếu Yang đồng ý ly hôn. Nhân tình của chồng đã chuyển trước 165.000 USD (khoảng 4,2 tỷ đồng) cho Yang vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, hơn một năm sau, Yang vẫn chưa đồng ý ly hôn, cũng không trả lại tiền. Vì vậy, Shi quyết định đệ đơn kiện để đòi lại 4,2 tỷ đồng.
Trong đơn kiện, Shi khẳng định có một "thỏa thuận bằng lời" rằng khoản thanh toán phụ thuộc vào việc Yang ly hôn Han. Người này yêu cầu tòa án ra lệnh cho Yang trả lại tiền cùng với lãi suất quá hạn vì vi phạm hợp đồng.
Đến ngày 7/2, tòa án nhân dân địa phương đã phán quyết bác bỏ yêu cầu của Shi, tuyên bố khoản thanh toán này vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội và trật tự công cộng vì nhằm mục đích phá vỡ một cuộc hôn nhân hợp pháp.
Ngoài ra, cơ quan chức năng xác định Han và Yang đã ký thỏa thuận ly hôn và đang trong "thời gian cân nhắc", nghĩa là khoản thanh toán không đáp ứng các điều kiện pháp lý để được hoàn lại tiền.
Tòa án cũng tiết lộ trong thời gian chung sống với Yang, Han đã chi hơn 6 triệu nhân dân tệ (khoảng 21 tỷ đồng) cho người tình mà không có sự đồng ý của vợ.
Luật sư Yue Zengchao giải thích trong những trường hợp như vậy, tòa án khó có thể đứng về phía bên thứ ba.
"Bất kỳ tài sản đáng kể nào mà một người đàn ông đã kết hôn có được trong thời gian ngoại tình đều được coi là tài sản chung của cặp đôi. Người vợ có quyền hợp pháp yêu cầu bên thứ ba trả lại phần tiền mà chồng đã cho người tình", Yue giải thích rõ.
Ngoài ra, người đàn ông có khả năng phạm tội đa thê khi chung sống và có con với người khác trong khi vẫn sống với vợ hợp pháp.
Vụ việc đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người bày tỏ rằng "công lý đã được thực thi".