Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Tin vui: Chính phủ chính thức đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026

Theo dự thảo nghị quyết, giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
snauxtat3-1747122463.jpg
Ảnh minh họa.

Báo Lao Động đưa tin, sáng 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trong đó trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Về nguyên tắc đề xuất, thuế VAT có các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT và không chịu thuế VAT thì chỉ giảm thuế đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất 10%.

Trong nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% thì mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng nhằm hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa, hàng hoá đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh.

Không giảm thuế VAT đối với hàng hóa là tài nguyên khoáng sản, trừ hàng hóa đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh như: Sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm kim loại.

Không giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trừ mặt hàng xăng.

Giữ nguyên các dịch vụ không được giảm thuế VAT theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội trước đây như: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.

Theo dự thảo nghị quyết, giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ xăng).

Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Theo Dân trí, Bộ trưởng Tài chính cho biết phương án giảm thuế tại dự thảo nghị quyết lần này có sự thay đổi so với các nghị quyết của Quốc hội trước đây.

Cụ thể, về nguyên tắc đề xuất giảm thuế, Chính phủ nhấn mạnh chỉ giảm 2% thuế đối với hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%.

Trong đó, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng.

Theo Chính phủ, quy định này nhằm hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa, hàng hóa đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh; không giảm thuế với hàng hóa là tài nguyên khoáng sản, trừ hàng hóa đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh như sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm kim loại.

Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng) cũng là đối tượng không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Còn những dịch vụ như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, như trước đây, vẫn tiếp tục thuộc nhóm không được giảm thuế.

Cũng đưa thông tin về nội dung này, báo Thanh Niên cho hay, theo cơ quan soạn thảo, mặc dù mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mặt hàng dầu thuộc sản phẩm dầu mỏ tinh chế, tuy nhiên đây là những mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Do đó, giá xăng, dầu nói chung tăng hoặc giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Với đề xuất giảm thuế trên, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng 121.740 tỉ đồng. Đánh giá tác động, Chính phủ cho rằng việc giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. 

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết đa số ý kiến nhất trí tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách là chưa thật sự phù hợp và khó đạt được mục tiêu đã đặt ra về kích cầu tiêu dùng vì khả năng kích cầu của chính sách đã bão hòa qua một thời gian dài thực hiện. Việc liên tục gia hạn và kéo dài việc thực hiện chính sách giảm thuế tạo tiền lệ không tốt, khiến chính sách thuế trở nên thiếu tính ổn định và không nhất quán. 

Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về vấn đề trên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội bày tỏ, việc gia hạn các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí có vai trò rất quan trọng đối với người dân, còn với doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong tính toán chi phí, dòng tiền và kế hoạch sản xuất kinh doanh.

"Đối với việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), đây là một chính sách tài khóa mang tính vĩ mô mà chúng ta thấy hết sức hiệu quả. Bởi vì, chúng ta giảm cho các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều lực lượng lao động, và bản thân các doanh nghiệp đó, cả quy mô nhỏ và quy mô vừa, đều được thụ hưởng chính sách giảm thuế VAT 2%. Do đó, chúng ta thấy sức bán, sức mua và sự hấp thụ của thị trường có sự gia tăng đáng kể.

Một điểm tuyệt vời nữa là khi chúng ta giảm thuế VAT 2%, doanh nghiệp bán ra thị trường các sản phẩm với giá rất ổn định cho người tiêu dùng và người dân. Người dân cũng được hưởng lợi, được giảm thuế VAT khi mua bán các sản phẩm, hàng hóa mà chúng ta quy định".

Tùy Nghi (t/h)