Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Toàn thân tím tái, phải thở máy sau bữa ăn quen thuộc với thịt lợn sống

Sau bữa ăn quen thuộc với tiết canh và lòng lợn, người đàn ông 63 tuổi ở Hà Nội phải thở máy, lọc máu. Bác sĩ cảnh báo vi khuẩn có thể gây tử vong.

Tím tái toàn thân sau bữa nhậu quen thuộc

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân N.N.T. (63 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện ngày 9/7/2025 trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, nổi ban tím ở đầu, mặt, tai và tứ chi. Người thân cho hay, trước đó ba ngày, ông T. có ăn tiết canh, lòng lợn và uống rượu tại một quán quen gần nhà. Sau bữa ăn, ông cảm thấy khó chịu và nhanh chóng chuyển nặng.

ThS.BS Phạm Thanh Bằng – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu kích thích, chi lạnh, tím tái toàn thân. Chúng tôi phải lập tức đặt nội khí quản, cho thở máy và tiến hành lọc máu. Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân bất ngờ ngừng tim. Ê-kíp cấp cứu gồm 4 bác sĩ đã tiến hành ép tim, dùng thuốc vận mạch để giành giật sự sống”.

Nhờ sự can thiệp kịp thời, bệnh nhân đã tạm qua cơn nguy kịch nhưng vẫn trong giai đoạn đầu điều trị và tiên lượng rất nặng.

cung-cap-1752113585.jpg
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân

Liên tiếp các ca bệnh nguy hiểm do tiết canh, lòng lợn

Cùng thời điểm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho hai bệnh nhân khác bị sốc nhiễm khuẩn nặng do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, phải thở máy, lọc máu và dùng thuốc vận mạch.

TS.BS Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu cảnh báo: “Thời gian gần đây, số ca nhiễm liên cầu lợn gia tăng đáng kể. Đây là vi khuẩn có thể gây bệnh cấp tính, truyền từ lợn sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh”.

Theo các bác sĩ, liên cầu lợn (Streptococcus suis) là vi khuẩn nguy hiểm, khởi phát nhanh và có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời. Người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, rối loạn tri giác, nổi ban xuất huyết bắt đầu từ đầu, mặt và lan dần ra toàn thân.

Vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm chế biến từ thịt lợn sống như tiết canh, lòng chần, nem chua… hoặc qua các vết thương hở trong quá trình giết mổ, chế biến lợn bệnh.

Cảnh báo từ bác sĩ: Tuyệt đối không ăn thịt lợn sống

“Người dân tuyệt đối không nên ăn các món làm từ thịt lợn sống hoặc chưa chín kỹ, đặc biệt là tiết canh”, bác sĩ Hùng khuyến cáo. Những người thường xuyên tiếp xúc với lợn như chăn nuôi, giết mổ, chế biến cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và xử lý kỹ các vết thương hở để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.

Tình trạng nhiễm liên cầu lợn từng nhiều lần được cảnh báo, song thói quen ăn uống của người Việt vẫn chưa thay đổi triệt để. Các chuyên gia khuyến nghị người dân cần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, từ bỏ thói quen ăn thịt sống để tránh những hậu quả đáng tiếc.
 

Xuân Vũ (T/H)