Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, từ rạng sáng 23/7, bão số 2 bắt đầu áp sát bờ biển Quảng Ninh. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
Tại Cửa Ông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Ở huyện Đầm Hà có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Ở khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Tại Tp.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đêm 22 rạng sáng 23/7, lượng mưa đo được trung bình trên 40 mm, có thời điểm mưa lớn 60 - 90 mm.
Để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão số 2 gây ra, UBND Tp.Móng Cái đã chỉ đạo các địa phương rà soát các khu vực nuôi trồng thủy sản ven đê; các khu vực dự án đang thi công; các khu vực có ngầm tràn có khả năng bị chia cắt khi nước lũ dâng cao.
Các khu vực có nguy cơ sạt lở, UBND Tp.Móng Cái chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời.
Tại huyện Vân Đồn lượng mưa ghi nhận có lúc lên tới 108 mm, gió trên đất liền giật cấp 6 - 7. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Vân Đồn chỉ đạo các bộ phận theo chức năng nhiệm vụ được phân công theo dõi tiếp tục bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình của bão.
UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, theo dõi các địa điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để bố trí nhân lực, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Trên địa bàn Tp.Hạ Long, từ sáng sớm 23/7, có gió cấp 5 - 6, giật cấp 7, lượng mưa đo được trong đêm 22/7 trung bình hơn 79.6 mm. Lượng mưa lớn gây ngập cục bộ tại một số điểm. Nhiều cây xanh bị gãy đổ trên một số tuyến đường.
Trên địa bàn huyện đảo Cô Tô từ đêm 22/7 mạnh dần lên cấp 7 - 8, có lúc cấp 10, giật cấp 11, mưa to cả đêm. Do ảnh hưởng của bão, trong âu cảng thuộc địa bàn thị trấn Cô Tô, có 1 tàu xi măng và 1 xuồng cao tốc nhỏ bị đắm, hàng chục cây xanh lớn ven đường bị gãy đổ.
Trước đó, tại cuộc kiểm tra tình hình phòng chống bão số 2 trên địa bàn, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 2, không chủ quan lơ là, nhất là mưa hoàn lưu sau bão.
Trong đó, tổ chức lực lượng trực ban 24h/ngày tại các khu vực dễ xảy ra thiên tai. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, kêu gọi các tàu, thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Hỗ trợ người dân chủ động các phương án chống bão cả trên bờ và dưới biển, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Các địa phương cũng cần có kịch bản chi tiết trong việc chủ động trong ứng cứu, tuyên truyền cho người dân chằng, chống nhà cửa và di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.