Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng quản lý gồm: Tổng công ty COMA, Tổng công ty VICEM, Tổng Công ty Viglacera, Tổng công ty Hancorp và Tổng công ty Lilama. Trong đó, 2 công ty báo lỗ, 4 đơn vị báo lãi. Tuy nhiên, VICEM lỗ nặng đã khiến cho tổng số lỗ của các nhóm doanh nghiệp vẫn lớn hơn lãi.
Báo Dân Việt đăng tải, Tổng công ty VICEM lỗ 863 tỷ đồng; Tổng công ty COMA lỗ 2,6 tỷ đồng; Tổng công ty VIGLACERA lãi 575 tỷ đồng; Tổng công ty HANCORP lãi 20,1 tỷ đồng; Tổng công ty LILAMA lãi 38,2 tỷ đồng; Tổng công ty HUD lãi 205 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng gặp khó khăn. Nguyên nhân do tình hình thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng vẫn rất khó khăn, giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhất là vật liệu xây dựng, sản xuất cầm chừng, kinh doanh thua lỗ, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch được giao.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn, tổng giá trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 25.935,38 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ và bằng 45% so với kế hoạch năm 2024; doanh thu ước đạt 24.947,16 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ và bằng 47% kế hoạch năm 2024.
Trước đó, Bộ Tài chính công bố thanh tra VICEM và 3 công ty con là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Vicem Hà Tiên.
Nội dung thanh tra tập trung vào các vấn đề quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp, hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.
Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM) tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập ngày 01/10/1979, Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng được thành lập để quản lý các nhà máy xi măng trong cả nước. Hiện doanh nghiệp đang quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Một số nhà máy xi măng nổi tiếng như Hà Tiên, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hải Phòng, Hoàng Mai...Tuy nhiên, một số đơn vị thuộc Vicem hoạt động kém hiệu quả.
Hiện nay VICEM đang tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu hóa các dây chuyền công nghệ, phát huy tối đa nội lực. Cân đối phân bổ năng lực sản xuất phù hợp với từng thương hiệu, đảm bảo cân đối giữa năng lực sản xuất và thị trường. Tập trung thực hiện các công việc để cổ phần hóa công ty mẹ, các công ty 100% vốn Nhà nước để có nguồn vốn phát triển năng lực sản xuất bằng việc đầu tư mới, hoặc nhận `chuyển giao các doanh nghiệp mà Chính phủ, Bộ Xây dựng giao cho VICEM, giữ vững vai trò trụ cột, là cân đối lớn của ngành xi măng Việt Nam; .../