Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Từ chối hối lộ, cảnh sát Nga được “thưởng nóng” bằng đúng số tiền bị "gạ gẫm"

Sáng kiến chống tham nhũng của chính quyền Rostov đang nhận được những ý kiến trái chiều khi biến tiền hối lộ thành phần thưởng chính thức. Trong khi một số người ủng hộ việc khuyến khích liêm chính, nhiều chuyên gia lại lo ngại điều này có thể mở đường cho các hành vi trục lợi.

Được "thưởng nóng" nếu từ chối hối lộ

Theo thông báo từ Cục Nội vụ vùng Rostov (thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Nga), các cảnh sát tại địa phương này sẽ được nhận khoản tiền tương đương với số tiền họ từng bị đề nghị hối lộ, miễn là họ từ chối và báo cáo hành vi đó.

Ông Alexander Rechitsky, người đứng đầu Cục Nội vụ vùng Rostov, cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện chính sách hoàn lại cho cán bộ cảnh sát số tiền mà họ được đề nghị trong quá trình bị lôi kéo vào hành vi phi pháp. Đây là một cách thể hiện lập trường chống tham nhũng mạnh mẽ.”

Chính sách này, theo lý giải từ cơ quan chức năng, nhằm khích lệ những cán bộ trung thực và răn đe hành vi đưa hối lộ từ người dân. Kể từ khi triển khai, đã có một số cảnh sát được nhận thưởng, trong đó có trường hợp một viên cảnh sát giao thông được trao 30.000 ruble (tương đương khoảng 9 triệu đồng) sau khi từ chối một khoản hối lộ.

1-1753067190.jpg
Ảnh minh họa

Những lo ngại về nguy cơ phản tác dụng

Dù mục đích được giới chức địa phương khẳng định là “chống tham nhũng”, sáng kiến này đang bị chính các nghị sĩ trong Quốc hội Nga (Duma Quốc gia) chất vấn.

Nghị sĩ Andrei Alshevskikh nêu quan điểm: “Hãy tưởng tượng, cấp trên có thể âm thầm khuyến khích cấp dưới đi gài bẫy người dân. Cảnh sát có thể cài tình huống, nhận tiền, rồi bất ngờ lật bài ngửa, bắt người hối lộ, và lại được nhận thưởng.”

Ông Alshevskikh cảnh báo về nguy cơ một số cán bộ biến việc “tìm kiếm đối tượng hối lộ” thành một phần công việc thường xuyên, thay vì tập trung làm nhiệm vụ chính đáng như giữ gìn an ninh trật tự.

Cùng quan điểm đó, ông Mikhail Starshinov, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh và Chống tham nhũng của Duma, đặt câu hỏi về tính minh bạch của sáng kiến này: “Tại sao chỉ riêng vùng Rostov áp dụng? Tiền thưởng đó lấy từ ngân sách nào? Có hợp lý khi cảnh sát được quyền giữ lại tiền hối lộ đã từ chối?”

Bất chấp những tranh cãi, chính quyền vùng Rostov vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Trên kênh Telegram chính thức, Cục Nội vụ Rostov xác nhận nhiều cán bộ chống tham nhũng đã được khen thưởng tài chính, coi đây là phần thưởng cho sự trung thực và trách nhiệm.

Trường hợp được công bố gần nhất là cảnh sát giao thông Tural Safarov, người đã từ chối nhận 30.000 ruble từ một tài xế vi phạm.

Việc thưởng ngay lập tức không chỉ nhằm ghi nhận cá nhân, mà còn được xem là động thái tuyên truyền “cán bộ không bán mình” giữa bối cảnh niềm tin công chúng với ngành công an tại Nga đang sụt giảm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu không kiểm soát kỹ, sáng kiến này có thể trở thành “đòn gió” hợp thức hóa một vòng luẩn quẩn, trong đó những kẻ cơ hội vẫn có thể tìm cách trục lợi từ chính sách chống tham nhũng.

NB (Theo ODD)