Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh như trên tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Báo cáo của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hai Bộ cho thấy, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của hai Bộ có sự gắn kết chặt chẽ và tham mưu cho Lãnh đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã được phê duyệt trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chương trình phối hợp đạt được nhiều kết quả tốt; đồng thời đẩy nhanh việc đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Hoạt động nghiên cứu KH&CN đã được triển khai theo đúng định hướng của Bộ Quốc phòng, hiệu quả ứng dụng của các sản phẩm KH&CN được nâng cao.
Các chương trình, đề án KH&CN trọng điểm được triển khai đồng bộ, qua đó, từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo vũ khí công nghệ cao; các loại vật tư cho sản xuất, sửa chữa và thay thế vũ khí trang thiết bị kỹ thuật của các quân, binh chủng... góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, công tác KH&CN trong Quân đội năm 2024 có những bước phát triển, đạt nhiều kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong lĩnh vực quốc phòng năm 2024. Điều này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ trong thời gian qua, đồng thời thúc đẩy hoạt động KH&CN trong Bộ Quốc phòng lên một tầm cao mới, đóng góp cho quân sự, quốc phòng và bảo đảm an toàn an sinh đất nước.
Đặc biệt, các lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, y dược học quân sự và các chương trình sản phẩm quốc gia, nhóm nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia… đều được triển khai hiệu quả và mang lại kết quả tốt.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm lưỡng dụng của quốc phòng đã đóng góp cho các ngành kinh tế như: Đóng tàu kinh tế và xuất khẩu; vật liệu nổ công nghiệp cho ngành khai khoáng và xuất khẩu; mũi khoan xoay cầu bằng hợp kim đặc biệt; băng tải cao su; phụ tùng ô tô, xe máy; dây và cáp điện; các sản phẩm dân dụng khác phục vụ trong nước và xuất khẩu…
Phối hợp chặt chẽ trong triển khai Nghị quyết 57
Chia sẻ về những chuyển động lớn của ngành KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề cập đến việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó đề ra nhiều chủ trương lớn có tính chất đột phá cho ngành KH&CN.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&CN đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn và 140 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương.
"Đây chính là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng tại Nghị quyết 57 mà chúng ta cần tập trung triển khai trong thời gian tới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang chủ trì xây dựng, sửa đổi Luật KH&CN năm 2013 có tính chất định hướng quan trọng cho ngành KH&CN, gồm nhiều cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù, đột phá nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn đang tồn tại như: Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN; đơn giản hóa thủ tục hành chính triển khai nhiệm vụ KH&CN… Dự kiến Dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua trong năm 2025.
Để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN với Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị hai Bộ phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; Nghị quyết số 03/NQ-CP, Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp…
Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục phát huy hơn nữa các kết quả đã đạt được, đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào các đơn vị mạnh để nghiên cứu, chế tạo các chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật chính, cốt lõi có thể chủ động việc sản xuất, trang bị cho quân đội; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN, xem xét đề xuất những nhiệm KH&CN tầm quốc gia, huy động tiềm lực KH&CN ngoài nhà nước, của các trường đại học phục vụ quốc phòng, an ninh và cả những nhiệm vụ lưỡng dụng phục vụ dân sinh nhằm phát huy tối đa sức mạnh, lợi thế của các bên.