Phát hiện bất ngờ sau hơn một thế kỷ
Theo nghiên cứu công bố ngày 26/5 trên tạp chí Journal of Threatened Taxa, nhóm nhà khoa học đã tình cờ phát hiện một con cua dừa màu xanh xám khi đang khám phá một hang nhỏ trên đảo Car Nicobar, thuộc quần đảo Nicobar ở phía đông Ấn Độ. Phát hiện này gây chấn động vì đây là lần đầu tiên loài cua này được ghi nhận tại khu vực trong suốt 150 năm qua.
Loài cua dừa, còn được biết đến với tên gọi "cua kẻ cướp", là loài chân đốt sống trên cạn lớn nhất thế giới, có thể phát triển chiều dài lên tới 1 mét và nặng tối đa 5 kg. Dù vậy, cá thể được phát hiện lần này là một con đực nhỏ hơn, dài khoảng 12 cm và nặng 1,2 kg.

Cua dừa nổi tiếng với khả năng bẻ vỡ trái dừa nhờ đôi càng khỏe như kìm sắt, lực kẹp được so sánh ngang với cú cắn của sư tử. Chúng thường xuất hiện tại các khu vực ven biển ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do mất môi trường sống, tác động của con người và các thảm họa thiên nhiên như sóng thần, số lượng cua dừa đã giảm sút đáng kể. Sau thảm họa sóng thần năm 2004, các nhà nghiên cứu từng tìm kiếm dấu vết của loài cua này tại quần đảo Andaman và Nicobar, nhưng không phát hiện được cá thể nào trên đảo Car Nicobar.
Môi trường sống khắc nghiệt và thói quen sinh hoạt bí ẩn
Các nhà khoa học cho rằng, cá thể cua dừa vừa phát hiện có thể đã bị thu hút bởi đống rác thải và vỏ dừa gần hang động. Đây vừa là nguồn thức ăn, vừa là mối nguy hiểm, vì cua có thể vướng vào các vật thể hoặc nuốt phải rác độc hại.

Khả năng tìm kiếm loài cua này cũng không dễ dàng. Chúng hoạt động chủ yếu về đêm, có tập tính ẩn dật, và thói quen sinh hoạt vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Do đó, việc bắt gặp một cá thể cua dừa trong tự nhiên là rất hiếm.
"Những lần phát hiện tình cờ như thế này mang lại giá trị lớn cho việc nghiên cứu hành vi, phân bố và môi trường sống của các loài hiếm gặp", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Không chỉ nổi tiếng vì kích thước khổng lồ, loài cua dừa còn khiến giới khoa học bất ngờ bởi thói quen giao tiếp đặc biệt. Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, cua dừa có thể "trò chuyện" với nhau bằng cách phát ra tiếng lách cách từ càng và chân trong suốt quá trình giao phối – từ dạo đầu, cao trào cho đến... ôm ấp sau đó. Nghiên cứu sử dụng phim X-quang và âm thanh kỹ thuật số đã ghi lại những "cuộc trò chuyện" độc đáo này, hé lộ thêm nhiều điều thú vị về đời sống sinh học của loài cua khổng lồ.