Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vì sao bé 2 tuổi mắc bệnh giang mai? Cha mẹ sững sờ khi biết nguyên nhân từ thói quen này của mình

Nguyên nhân khiến một đứa trẻ mắc căn bệnh lây truyền qua đường tình dục gây sốc dư luận, bởi lẽ đó là điều mà rất nhiều cha mẹ vẫn làm với con mình hàng ngày.

Theo thông tin từ VTC News, mới đây, bé trai Hạo Hạo (2 tuổi, sống ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) được phát hiện nhiễm vi khuẩn giang mai khi xét nghiệm máu trước ca phẫu thuật nhỏ. Vì giang mai được biết đến là bệnh lây truyền qua đường tình dục nên bố mẹ Hạo Hạo cãi nhau to khi biết con nhỏ nhiễm bệnh. Đáng ngạc nhiên là sau khi hai người làm xét nghiệm, kết quả đều âm tính.

Trong khi bác sỹ cũng đang bối rối không hiểu nguyên nhân, mẹ Hạo Hạo nhớ ra rằng ông bà nội thường giúp chăm sóc bé. Kết quả kiểm tra sau đó khiến mọi người sửng sốt, ông nội âm tính nhưng bà nội lại dương tính với giang mai.

Bà nội Hạo Hạo không hiểu vì sao mình nhiễm bệnh và lây cho cháu bằng cách nào. Bố Hạo Hạo đoán, có thể con mình nhiễm vi khuẩn gây bệnh giang mai từ thói quen chăm sóc của bà: "Bà thường nhai nhỏ thức ăn rồi mới cho bé con ăn. Chúng tôi đã nhắc nhở bà nhiều lần nhưng thói quen của bà vẫn không thay đổi. Không biết liệu có phải vì thói quen này mà Hảo Hảo bị nhiễm bệnh không?".

Nghe vậy, bác sỹ liền khẳng định đó chính là nguyên nhân. Các bác sĩ cho biết, nguồn lây nhiễm giang mai duy nhất là bệnh nhân giang mai, và sự hiện diện của Treponema pallidum có thể được phát hiện trong dịch tiết loét, máu, tinh dịch, nước bọt... của bệnh nhân. Do đó, giang mai chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục, lây truyền từ mẹ sang con và lây truyền qua đường máu, còn lây truyền gián tiếp có thể xảy ra trong những điều kiện rất ngẫu nhiên.

Em bé 2 tuổi mắc bệnh giang mai chỉ vì một thói quen ít ai ngờ của cha mẹ. Ảnh minh họa.

Em bé 2 tuổi mắc bệnh giang mai chỉ vì một thói quen ít ai ngờ của cha mẹ. Ảnh minh họa.

Nếu bà của đứa trẻ có thói quen nuôi dạy như vậy thì khả năng lây truyền gián tiếp là có thể. Ví dụ, trong quá trình nhai, thức ăn có thể bị nhiễm khuẩn do chảy máu nướu răng, nước bọt... và khi cho trẻ ăn, trẻ có thể bị nhiễm Treponema pallidum và do đó mắc bệnh giang mai.

Theo Phụ nữ số, bệnh giang mai là căn bệnh chỉ có ở con người, những bệnh nhân mắc bệnh giang mai tiềm ẩn và rõ ràng đều là nguồn lây nhiễm. Những người bị nhiễm Treponema pallidum có lượng lớn Treponema pallidum trong dịch tiết da và máu. Bệnh này có khả năng lây nhiễm cao nhất trong vòng một năm sau khi nhiễm bệnh. Các con đường lây truyền giang mai bao gồm:

- Quan hệ tình dục không an toàn: Là con đường lây phổ biến nhất. Vi khuẩn xâm nhập qua các vết trầy xước nhỏ trên niêm mạc khi quan hệ.

- Từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai nhiễm giang mai có thể truyền bệnh qua nhau thai cho thai nhi, hoặc trong lúc sinh.

- Đường máu: Truyền máu có nhiễm xoắn khuẩn giang mai, dùng chung kim tiêm. Tuy nhiên ngày nay con đường này rất hiếm do máu hiến được kiểm tra nghiêm ngặt.

- Tiếp xúc gián tiếp (rất hiếm): Dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải, hoặc tiếp xúc với dịch tiết chứa vi khuẩn trên vật dụng, vết thương hở...

Giang mai không triệu chứng có phải không nguy hiểm? Sai lầm lớn là nghĩ rằng không có triệu chứng thì không cần điều trị. Thực tế, giang mai tiềm ẩn (không biểu hiện) vẫn có khả năng lây truyền cao, đặc biệt qua quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con. Không điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Xuất hiện vết loét (gọi là "săng giang mai") không đau ở bộ phận sinh dục, miệng, ngực...

- Giai đoạn 2: Nổi ban đỏ toàn thân, sốt nhẹ, đau cơ, hạch to – sau đó lại tự biến mất.

- Giai đoạn 3 (muộn, sau vài năm): Gây tổn thương nặng đến não, tim, xương khớp, có thể dẫn đến tàn tật hoặc tử vong.

Bác sỹ nhấn mạnh, dù việc lây nhiễm giang mai qua đường tiếp xúc rất hiếm gặp, gia đình cần chú ý vệ sinh cá nhân và môi trường. Người mang vi khuẩn giang mai nên hạn chế sử dụng bể bơi công cộng, không dùng chung khăn tắm, chậu rửa với người khác.

Sau khi được truyền thông đưa tin, câu chuyện của bé Hạo Hạo khiến dư luận xôn xao. Nhiều người nhắc nhau từ bỏ những thói quen có thể gây nguy hiểm cho trẻ như nhai mềm thức ăn rồi mới bón cho các bé.

Như Quỳnh (t/h)