
Tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu ở tổ về sửa Bộ luật Hình sự, Bộ Công an đã nêu lý do đề xuất bỏ tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, sản xuất thuốc giả.
Cụ thể, báo Tuổi trẻ đưa tin, tại dự luật, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội), tại 8/18 (44,4%) tội danh có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành.
Trong đó có tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Thảo luận tại tổ vào ngày 20-5, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị vẫn giữ hình phạt tử hình đối với tội này vì mức độ nguy hiểm rất cao, gây tổn hại tính mạng, sức khỏe cho cả cộng đồng.
Đây là hành vi vô nhân đạo cần phải nghiêm khắc xử lý bằng áp dụng hình phạt tử hình để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ về nội dung trên, Bộ Công an nêu rõ trên cơ sở đề án liên quan đến tử hình mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất với giải pháp trong đề án.
Theo đó, tiếp tục nghiên cứu thu hẹp hình phạt tử hình, trong đó có việc nghiên cứu kỹ lưỡng để bỏ hình phạt đối với tội này.
Bộ Công an nêu rõ thực tiễn xét xử cho thấy chủ yếu là giả nhãn mác, thuốc kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh... rất khó xác định có gây chết người hay không để áp dụng hình phạt tử hình.
Do vậy, trên thực tế chưa có trường hợp nào bị tuyên án tử hình về tội danh này. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng chưa tạo ra hành lang hữu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng thật là lỗ hổng tạo điều kiện cho tội phạm này được thực hiện trên thực tế.
Bởi vậy, thay vì áp dụng hình phạt tử hình để răn đe người phạm tội cần có các biện pháp khác để phòng ngừa như tăng cường quản lý nghiêm ngặt, tránh tình trạng do sự yếu kém, không quản lý được thì cấm hoặc phạt thật nặng.
Báo cáo của Bộ Công an chỉ rõ xét về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, hành vi này không nguy hiểm cho xã hội như hành vi giết người hay khủng bố. Nếu sử dụng độc tố để sản xuất thuốc giả nhằm giết người sẽ bị xử lý về tội giết người. Do đó có thể xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình với tội danh này.
Trước đó, theo báo Thanh niên, Chính phủ cho biết, bộ luật Hình sự hiện hành đang quy định 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Song, thực tế thời gian qua cho thấy một số tội danh không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình; các tòa án cũng không hoặc ít áp dụng áp dụng hình phạt này khi tuyên án.
Việc duy trì hình phạt tử hình đối với một số tội danh còn gây khó khăn trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm. Điển hình như nhóm tội về tham ô, nhận hối lộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy, nhiều quốc gia yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình, nhưng Việt Nam chưa cam kết. Do đó, khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không nhận được phản hồi.
Từ thực tiễn nêu trên, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) đối với 8 tội danh.
Những tội này gồm: tham ô tài sản (điều 353); nhận hối lộ (điều 354); vận chuyển trái phép chất ma tuý (điều 250); hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109); gián điệp (điều 110); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (điều 194); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 421).
Ngoài ra, Chính phủ cũng dự kiến bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 10/18 tội danh còn duy trì hình phạt tử hình.