Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vì sao Mỹ không áp thuế với Nga, nhưng đánh thuế đảo hoang?

Tổng thống Trump không áp dụng bất kỳ mức thuế nào đối với Nga để không gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc giải quyết xung đột Ukraine.
2025-04-02t201847z-1566266852-2248-6463-1743961742-1743989383.webp
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm tài liệu "Rào cản thương mại nước ngoài" khi ông phát biểu về thuế quan tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters

Theo thông tin trên báo Dân trí, trả lời phỏng vấn ABC News ngày 6/4, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết, Tổng thống Trump không áp dụng bất kỳ mức thuế nào đối với Nga để không gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc giải quyết xung đột Ukraine.

"Rõ ràng là đang có một cuộc đàm phán với Nga và Ukraine", ông Hassett cho biết, và nói thêm rằng Nhà Trắng không muốn "gộp chung 2 vấn đề".

Khi được ABC News hỏi liệu đó có phải là điều đúng đắn nên làm hay không, ông Hassett vẫn khẳng định sẽ không khôn ngoan khi "đưa một loạt điều mới lên bàn đàm phán trong bối cảnh cuộc đàm phán ảnh hưởng đến rất nhiều sinh mạng của người Mỹ, Ukraine và Nga".

Chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua. Các bên hiện mới chỉ nhất trí ngừng bắn tạm thời. Phái đoàn Mỹ dự kiến tiếp tục hội đàm riêng rẽ với phía Nga, Ukraine vào tuần tới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cũng giải thích lý do Washington áp thuế với Đảo Heard và quần đảo McDonald (viết tắt là HIMI) là một quần đảo cằn cỗi gần Nam Cực, không người ở mà chỉ có chim cánh cụt.

"Nếu bạn bỏ qua bất kỳ điều gì trong danh sách, một số quốc gia sẽ tìm cách lợi dụng lỗ hổng. Tổng thống đã áp thuế đối với Trung Quốc vào năm 2018, nhưng sau đó họ bắt đầu đưa hàng hóa qua các quốc gia khác để đến Mỹ", ông giải thích.

Một số người suy đoán chính quyền Tổng thống Trump có thể đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để lập ra danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ chịu thuế quan mới của Mỹ.

"Tại sao Đảo Heard và quần đảo McDonald nằm trong danh sách chịu thuế 10%. Liệu có phải chính quyền đã sử dụng AI để lập danh sách", người dẫn chương trình của CBS đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, ông Lutnick phủ nhận. Ông nói: "Không, không phải. Hãy nhìn xem, ý tưởng ở đây là không có quốc gia, vùng lãnh thổ nào bị bỏ lại phía sau. Nếu bạn bỏ sót bất cứ điều gì trong danh sách, các quốc gia sẽ lợi dụng lỗ hổng để đưa hàng hóa vào Mỹ".

Ông nhấn mạnh thêm: "Chúng ta sẽ giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ. Đây là vấn đề an ninh quốc gia. Chúng ta cần sản xuất thuốc. Chúng ta cần sản xuất chất bán dẫn. Chúng ta cần sản xuất tàu. Chúng ta cần có thép và nhôm. Chúng ta cần sự vĩ đại của nước Mỹ thực sự được xây dựng tại Mỹ".

Theo báo VnExpress, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết đã có hơn 50 nền kinh tế đề nghị khởi động đàm phán từ khi ông Trump công bố thuế đối ứng.

Thông tin được Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nêu trên chương trình "Meet the Press" của NBC News hôm 6/4.

Thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, theo ông Bessent, đã đưa ông Donald Trump vào vị thế nắm quyền. "Ông ấy (Trump) đã tạo ra đòn bẩy tối đa cho chính mình", ông bình luận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ và các quan chức Nhà Trắng khác đều không nêu tên cụ thể các nền kinh tế đã đề xuất đàm phán với ông Trump.

Hôm chủ nhật, người đứng đầu Đài Loan cũng đề xuất đàm phán với Mỹ dựa trên nền tảng "thuế quan bằng 0", cam kết gỡ bỏ các rào cản thương mại và cho biết các công ty Đài Loan sẽ tăng đầu tư vào Mỹ.

Reuters cho rằng việc tổ chức đồng thời quá nhiều cuộc đàm phán song phương cùng lúc có thể đặt ra thách thức hậu cần rất lớn cho chính quyền Trump. Cũng chưa rõ các cuộc đàm phán này sẽ kéo dài bao lâu.

Bảo Vy (t/h)