Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Việt Nam xuất siêu 2,3 tỷ USD trong tháng 2/2023

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 28/2, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,08 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 tăng 11%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,7%.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong hai tháng đầu năm 2023 có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,88 tỷ USD, tăng 2,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2 giảm 6,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,4%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng đầu năm 2023 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 69,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).

Tình hình xuất khẩu năm 2023 được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo không ít khó khăn khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm áp dụng chính sách zezo Covid. Trong khi đó, 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm nay.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung năm 2023 sẽ nhiều khó khăn, sự suy thoái diễn ra ở các thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, trong khi Việt Nam vẫn phải chịu sức ép cạnh tranh từ những nước xuất khẩu khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,...

“Bối cảnh năm 2023 là không hề dễ dàng, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức bởi đây là thời điểm hệ luỵ của tình trạng suy thoái, lạm phát được bộc lộ rõ nét và các lô hàng xuất khẩu cũng sẽ bị cắt giảm”, ông Hải cho hay.

Để giữ mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, ông Hải cho hay, Bộ Công Thương đang triển khai các giải pháp duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt tập trung vào một số thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ về đích mức thuế suất bằng 0% trong năm nay.

Do đó, theo ông Hải, doanh nghiệp cần chủ động, ngoài việc cơ cấu tìm thêm mặt hàng mới, thị trường mới, ngành hàng mới thì việc xây dựng kịch bản để ứng phó, tồn tại trong thế giới nhiều biến động là rất cần thiết. Đây cũng là dịp để đánh giá lại hoạt động của doanh nghiệp, từ vấn đề nhân lực, ứng dụng công nghệ, tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao năng suất trong hoàn cảnh khó khăn.