Thông tin ban đầu, vào ngày 22/12, Công an phường Bình Hòa (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhận được tin báo có người đánh đập trẻ em tại khu nhà trọ ở tổ 12A, khu phố Đồng An 3 nên cử cán bộ đến xác minh.
Tại đây, công an xác định người bị đánh là bé gái 10 tuổi đang học lớp 4, trường Tiểu học Bình Hòa. Bé bị rách môi, nhiều vết thương ở tay, lưng, vai,... được mẹ đưa đến cơ sở y tế thăm khám. Nghi can đánh bé gái được xác định là cha dượng. Người đàn ông này đã được công an đưa về trụ sở làm việc.
Tại cơ quan công an, người đàn ông khai do bé gái không trông em, để em bò ra khỏi phòng trọ nên đã bực tức đánh bé. Sau khi lấy lời khai người cha dượng và làm việc với mẹ của bé gái, công an đã cho người đàn ông ra về.
Người dân trong khu nhà trọ kể trên cho biết, bé gái ở cùng với mẹ ruột, cha dượng và một em gái hơn 1 tuổi. Bé gái bị đánh nhiều lần. Đỉnh điểm là vào ngày 22/12, bé gái bị cha dượng đánh đập dã man nên người dân bức xúc trình báo công an.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Hoàng Văn Hà, Công ty Luật ARC Hà Nội cho biết: Đây là một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em – thuộc nhóm cần được pháp luật bảo vệ tối đa.
Hành vi của cha dượng có thể cấu thành tội phạm, cụ thể là tội Cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017): Nếu hành vi gây thương tích cho bé gái có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên, hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định như hành hạ trẻ em, thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc Tội hành hạ người khác (Điều 140) trong trường hợp nếu cha dượng có hành vi đối xử tàn nhẫn, gây đau đớn hoặc nhục nhã kéo dài, dù không dẫn đến tổn thương cơ thể nghiêm trọng.
Luật sư Hà cũng cho rằng, theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em có quyền được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và không bị bạo lực. Cơ quan công an cần có biện pháp bảo vệ bé gái, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng (như Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cơ sở y tế, nhà trường) để bảo đảm quyền lợi của bé.
“Việc cho phép nghi can trở về nhà sau khi lấy lời khai có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời. Trong các vụ bạo lực gia đình, cơ quan công an cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp như cấm tiếp xúc, cách ly để bảo vệ nạn nhân.
Gia đình hoặc người đại diện hợp pháp của bé gái có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an, yêu cầu khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu hình sự.
Cơ quan công an cần tiếp tục thu thập chứng cứ (giám định thương tích, lời khai của nhân chứng, hình ảnh hoặc video liên quan) để xử lý đúng pháp luật.
Bé gái cần được hỗ trợ tâm lý và bảo vệ an toàn trong quá trình xử lý vụ việc”, luật sư Hà nói thêm.