Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vụ Châu Bùi bị quay lén: Dù mục đích gì thì cũng phải bị xử lý nghiêm khắc

Theo luật sư, sự việc xảy ra với Châu Bùi đã phản ánh thực trạng đáng báo động hiện nay, hành vi quay lén diễn ra nhức nhối với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau. Nhưng dù với bất kỳ mục đích, hình thức nào thì hành vi này cũng được coi là trái quy định của pháp luật và phải bị xử lý nghiêm khắc.
photo-1-171929078416616749206-1719392516.jpg
Hình ảnh được chia sẻ trong bài viết của Châu Bùi. Nguồn ảnh: Internet.

Vụ Châu Bùi phát hiện có thiết bị quay lén tại một studio nổi tiếng ở quận 3, TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao. Vụ Châu Bùi phát hiện có thiết bị quay lén tại một studio nổi tiếng ở quận 3, TP.HCM đang khiến dư luận xôn xao. Được biết, ngày 25/6, Công an quận 3 đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ Bùi Thái Bảo Châu (người mẫu, fashionista Châu Bùi) bị quay lén trong nhà vệ sinh của studio trên địa bàn.

Trước đó, vào chiều 23/6, Châu Bùi có bài viết kèm hình ảnh trên trang cá nhân, kể lại sự việc cô phát hiện bản thân bị quay lén trong phòng thay đồ. Sự việc khiến cộng đồng mạng và dư luận xôn xao, bức xúc.

Theo Luật sư Lê Thanh Bình, Công ty Luật FDVN: “Sự việc xảy ra với Châu Bùi đã phản ánh thực trạng đáng báo động hiện nay, hành vi quay lén diễn ra nhức nhối với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau, nhưng dù với bất kỳ mục đích, hình thức nào thì hành vi này cũng được coi là trái quy định của pháp luật và phải bị xử lý nghiêm khắc”.

Luật sư Bình dẫn chứng: Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và được pháp luật bảo vệ, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

d622c780-dbea-4ad0-851d-025f6e3f7caf-1719473864.jfif
Luật sư Lê Thanh Bình, Công ty Luật FDVN.

“Trong sự việc này, để xác định được trách nhiệm pháp lý cụ thể mà người có hành vi vi phạm phải gánh chịu thì cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải làm rõ mục đích, động cơ,  tính chất, mức độ và hệ quả của hành vi vi phạm.

Theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu có hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó. Trường hợp cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân hoặc thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Trường hợp qua xác minh, điều tra ban đầu nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cá nhân đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Có thể là “Tội làm nhục người khác” tại Điều 155 với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm (người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm) hoặc Tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại Điều 326 với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm (người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm) hoặc các tội danh có liên quan khác tùy thuộc vào hành vi, mục đích, động cơ và hậu quả cụ thể”, luật sư Bình nói.

Luật sư Bình phân tích thêm: “Khi quyền dân sự của cá nhân bị xâm phạm thì cá nhân đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền can thiệp, xử lý, ngăn chặn kịp thời trước khi xảy ra những hậu quả khó lường.

Trường hợp phát sinh thiệt hại do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm từ hành vi này thì cá nhân có quyền yêu cầu người có hành vi vi phạm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584, Điều 585, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải chịu một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà bị thiệt hại phải gánh chịu, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.

“Qua sự việc này, tất cả mọi cá nhân, đặc biệt là nữ giới khi ở nơi công cộng, ở những khu vực thường xuyên có sự ra vào của người lạ nên cẩn trọng và đề phòng tình huống bị kẻ xấu đặt camera giấu kín. Vì vậy, trước khi đến các nơi riêng tư, nơi vệ sinh công cộng, phòng thay đồ hoặc các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn,…, mọi người nên cẩn thận kiểm tra trước, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ thì phải ngay lập tức trình báo cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý”, vị luật sư khuyến cáo.