Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vụ Coma 18: Làm rõ "số phận" 100 tỷ đồng ông Lê Thanh Thản đã nộp

Doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã nộp 100 tỷ đồng cho dự án VP6 Linh Đàm. Tuy nhiên, số tiền này không dựa trên cơ sở thu của cơ quan thuế.

Việc nộp tiền là không đủ cơ sở

Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Cổ phần Coma 18 do bán 184 ha đất dự án VP6 Linh Đàm cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, các luật sư đề nghị làm rõ số tiền mà Doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã nộp.

Theo đó, kết luận điều tra, cáo trạng xác định vụ việc gây thiệt hại về tiền sử dụng đất là 64 tỷ đồng. Trong khi Doanh nghiệp trên đã khoản 74 tỷ đồng theo Kết luận của Thanh tra Tp.Hà Nội và 26 tỷ đồng vào Chi cục Thuế quận Hoàng Mai.

Vụ Coma 18: Làm rõ

Ông Lê Huy Lân cùng 2 bị cáo tại toà.

Cụ thể, theo luật sư, vào ngày 2/12/2016, số tiền này được Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Doanh nghiệp) nộp vào trong số tiền 256 triệu đồng và xác nhận có nộp 74 tỷ tiền sử dụng đất của dự án VP6 Linh Đàm. Nhưng văn bản của cơ quan thuế khẳng định, không có cơ sở xác định số tiền này là nộp cho tiền sử dụng đất.

"Năm 2016, tại chứng thư chuyển tiền của Doanh nghiệp có nội dung nộp tiền sử dụng đất cho dự án VP6 và các dự án HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Chứng thư đã ghi rõ như vậy, nhưng kết luận giám định của cơ quan thuế lại khẳng định không có cơ sở? Đề nghị lý giải vấn đề này?", luật sư hỏi. 

Đại diện Cục thuế Hà Nội cho hay, căn cứ theo các quy định về thuế, Luật Đất đai 2013 về thu tiền sử dụng đất thì việc đóng tiền là nghĩa vụ của tổ chức hoặc cá nhân phải nộp vào ngân sách Nhà nước khi được giao đất, là đất ở hoặc đất nghĩa trang.

Theo quy trình thủ tục để xác định nghĩa vụ thu tiền sử dụng đất thì cần điều kiện tiên quyết là "Nhà nước đã giao đất". 

Thế nhưng, theo hồ sơ CQĐT cung cấp cho giám định viên, thì Công ty Coma 18 hay Doanh nghiệp đều được Nhà nước giao đất.

Vị này lý giải thêm, sau khi Nhà nước giao đất, để xác định được nghĩa vụ nộp tiền quyền sử dụng đất thì phải có giá đất để tính. Với thửa đất giá trị thấp (dưới 10 tỷ hoặc 30 tỷ đồng, tuỳ địa bàn) sẽ sử dụng thông tin do Sở Tài nguyên làm cơ sở xác định tiền sử dụng đất bằng công thức giá đất nhân với hệ số. 

Đối với thửa đất giá trị cao (trên 10 hoặc 30 tỷ đồng, tuỳ địa bàn) thì phải có quyết định của UBND cấp tỉnh về việc phê duyệt giá đất.

Trên cơ sở từ quyết định giao đất và hồ sơ xác định giá đất như trên thì cơ quan thuế mới có cơ sở ra thông báo thu tiền sử dụng đất. Tổ chức cá nhân có trong thông báo lúc đó mới phát sinh nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất.

"Tuy nhiên tài liệu CQĐT cung cấp thì giám định viên thấy không hề có bất kỳ tài liệu nào liên quan đến quyết định giao đất, xác định giá đất. Cơ quan thuế cũng không thực hiện bất kỳ thủ tục thu tiền nào.

Do đó, số tiền các tổ chức, cá nhân nộp cho cơ quan thuế và ghi nội dung như trên thì cơ quan thuế cúng không có bất kỳ cơ sở nào để xác định đó là thu tiền sử dụng đất", giám định viên nhấn mạnh.

Vị này cho biết thêm, việc nộp tiền vào là ý chí của các cá nhân, tổ chức. Về phía cơ quan thuế không có chuyện là chấp nhận hoặc không chấp nhận một khoản tiền nộp vì tiền đó sẽ chuyển vào kho bạc Nhà nước. Do đó, có thể coi đây là số tiền nộp thừa vào ngân sách và người nộp có thể yêu cầu lấy lại số tiền đó như là nộp nhầm.

Luật sư tiếp tục nêu ý kiến, việc nộp số tiền 74 tỷ đồng là thực hiện theo Kết luận của Thanh tra Tp.Hà Nội. Thanh tra không có mặt, nhưng chúng tôi rất băn khoăn vì giám định viên giải thích quy trình như trên nhưng ở đây, Doanh nghiệp lại nộp theo kết luận thanh tra?

Đại diện Cục thuế Hà Nội cho biết, giám định viên chỉ có thẩm quyền giải thích liên quan đến cơ sở của việc ra quyết định giám định.

"Tuy nhiên, với tư cách người có kiến thức trong lĩnh vực này, tôi hiểu rằng với hệ thống quản lý thu ngân sách thì việc thu tiền sử dụng đất là do cơ quan thuế quản lý. Khoản tiền Doanh nghiệp nộp như trên không đủ cơ sở để cơ quan thuế ghi nhận. Còn cụ thể trường hợp trên, đề nghị luật sư hỏi lại căn cứ của cơ quan thanh tra", vị đại diện nói.

Chi cục thuế không ra thông báo thu 

Luật sư tiếp tục câu hỏi: "Với Chi cục Thuế quận Hoàng Mai về việc Doanh nghiệp đã nộp hơn 26 tỷ nộp vào ngân sách qua chi cục thuế. Vậy số tiền hiện đã được nộp vào tiền sử dụng đất hay "vẫn treo" tại chi cục thuế".

Về khoản tiền này, đại diện Chi cục Thuế quận Hoàng Mai cho biết, Doanh nghiệp nộp số tiền trên vào năm 2018 vào ngân sách Nhà nước, hiện số vẫn được lưu tại Kho bạc Nhà nước quận Hoàng Mai.

Vụ Coma 18: Làm rõ

Cơ quan thuế khẳng định, không có cơ sở để thu thuế với dự án VP6 Linh Đàm.

Đơn vị này cũng khẳng định không ra bất kỳ thông báo nào về việc thu thuế tiền sử dụng đất liên quan đến dự án VP6 Linh Đàm.

Tại phần xét hỏi trước đó, bị cáo Lê Văn Khương (SN 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Cơ khí xây dựng - Coma) thừa nhận, bản thân đã thiếu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu. Trong khi có thiếu sót do tin vào cấp dưới.

Về phía bị cáo Lê Huy Lân (SN 1962, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Coma 18) cho hay, dự án VP6 Linh Đàm không phải dự án cấm chuyển nhượng mà phải đủ điều kiện và có ý kiến cho phép của Thành phố. 

Tuy nhiên, do thiếu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc lại đã dẫn đến hậu quả, đến khi biết rồi thì đã không kịp. 

Đặng Ngọc Thuỷ/Người đưa tin