
Thông tin về vụ việc được báo Tuổi trẻ đưa như sau: Ngày 27-7, một lãnh đạo xã Mỹ Tú, TP Cần Thơ cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ bạo hành trẻ em. Vụ việc đang được giao cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Theo báo cáo nhanh của Công an xã Mỹ Tú, ngày 25-7 đơn vị phát hiện một đoạn video trên Facebook cho thấy một phụ nữ dùng cây đánh hai trẻ nhỏ.
Qua xác minh, Công an xã Mỹ Tú đã mời những người liên quan để làm rõ vụ việc.
Người trực tiếp đánh một bé trai và một bé gái là bà Nguyễn Thị Đời (48 tuổi, thường trú ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, TP Cần Thơ). Bà Đời bán vé số dạo, là cô ruột của hai cháu N.V.T. (13 tuổi) và L.T.C.T. (9 tuổi), đăng ký thường trú xã Thạnh Thới An, TP Cần Thơ.
Hằng ngày cháu V.T. và C.T. cùng bà Đời đi bán vé số dạo.
Khoảng 16h ngày 24-7, sau khi bán hết vé số, bà Đời ghé một quán cà phê gần dốc cầu chợ Mỹ Hương để đợi các cháu của mình như đã hẹn.
Đợi đến khoảng 18h cùng ngày, không thấy V.T. và C.T. trở lại nên bà Đời nhờ người thân hỏi thăm, mới biết hai cháu của mình đang ở khu vực trung tâm chợ Mỹ Tú, trên tay còn "ôm" nhiều tờ vé số.
Bà Đời tức tốc đến khu vực nói trên. Vừa tới, thấy cháu V.T. cầm một cọc vé số, bà Đời liền hỏi: Tại sao tụi mầy không bán mà để ôm nhiều vé số vậy? Cháu V.T. trả lời: Không ai mua.
Không nén được tức giận, bà Đời lụm khúc cây dài khoảng 1m đánh nhiều cái vào mông cháu V.T. đến gãy đôi. Mặc dù cháu V.T. kêu khóc, van xin nhưng bà Đời vẫn không buông tha.
Một người dân gần đó thấy vậy cũng kêu bà dừng tay, nhưng bà vẫn tiếp tục đánh. Sau đó bà còn vung cây đánh vào mông cháu gái C.T..
"Công an xã Mỹ Tú đã tiếp nhận vụ việc và tiến hành xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật", báo cáo nêu.
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự chia sẻ trên báo Người Lao Động, hành động của bà Đời đã vi phạm các quy định của Luật Trẻ em năm 2016.
Cụ thể, tại khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần.
Đồng thời, bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động. Thực tế cả V.T. và C.T đều chưa đủ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ các quyền của trẻ em như: được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, gây tổn hại đến sự phát triển toàn diện;...
Trong vụ việc trên, tùy tính chất, mức độ vi phạm, hành vi bạo lực trẻ em của bà Đời có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, căn cứ theo Điều 22 điểm b và điều 23 khoản c, d Nghị định số 130/2021/NĐ-CP mức phạt từ 10-25 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, hành vi trên có thể bị truy cứu về các tội danh như: tội hành hạ người khác (Điều 140), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe (Điều 134), tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng (Điều 185) Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.