Bắt đầu từ một "nút thắt chết người"
Mọi chuyện khởi đầu vào ngày 14/8/2010, khi lưu lượng xe tải chở than và vật liệu xây dựng từ Nội Mông đổ về Bắc Kinh gia tăng đột biến. Cùng lúc đó, một dự án sửa chữa đường được triển khai khiến mặt đường bị thu hẹp, giảm 50% năng lực lưu thông. Kết hợp với tình trạng thiếu hụt vận tải đường sắt, hàng nghìn xe tải buộc phải dùng quốc lộ.
Trong nhiều năm trước đó, lưu lượng xe trên tuyến đường này đã tăng trung bình 40% mỗi năm, đến thời điểm xảy ra sự cố thì đã vượt 60% công suất thiết kế. Chính quyền chưa kịp đưa ra phương án điều tiết thì đã có hàng trăm nghìn phương tiện dồn ứ trên đoạn dài hơn 100 km.
Ban đầu, các tài xế còn bức xúc, liên tục bấm còi, la hét. Nhưng chỉ sau vài ngày, họ đành chấp nhận thực tế: mỗi ngày xe chỉ nhích được… chưa tới 1 km. Một số người thậm chí đã kẹt lại suốt gần hai tuần trong điều kiện thiếu nước, thiếu thực phẩm và không thể quay đầu xe.

"Kinh tế vỉa hè" nở rộ giữa đại lộ
Khi tình trạng kẹt xe bước sang ngày thứ ba, cư dân địa phương dọc tuyến đường bắt đầu xuất hiện, mang theo đồ ăn, nước uống và thuốc lá đến bán cho người mắc kẹt. Mọi thứ đều được đội giá lên gấp nhiều lần. Một chai nước bình thường giá chỉ 1 nhân dân tệ (khoảng 3.500 đồng) thì tại hiện trường kẹt xe đã lên tới 15 nhân dân tệ (hơn 50.000 đồng).
Nhiều người mô tả cảnh tượng như trong phim tận thế: các xe đỗ hàng dài, người dân buôn bán lề đường, tài xế căng bạt ngủ ngay trên xe hoặc bắc bếp nấu ăn giữa quốc lộ.
Các nỗ lực giải tỏa được chính quyền triển khai sau đó bằng cách mở luồng cho xe tải vào Bắc Kinh vào ban đêm. Tuy nhiên, do quy mô ùn tắc quá lớn nên phải mất 12 ngày để giải quyết triệt để.
Tuy không được Guinness công nhận là "kẹt xe dài nhất thế giới" vì có những vụ khác về mặt quãng đường kéo dài hơn (như vụ ở Ấn Độ năm 2024 dài 300 km), nhưng nếu xét về thời gian và tác động xã hội, vụ việc trên Quốc lộ 110 được xem là biểu tượng của sự quá tải hạ tầng giao thông tại các nước đang phát triển nhanh.
Sự cố này nổi tiếng đến mức được lập riêng một trang Wikipedia để ghi lại diễn biến và hệ lụy. Nhiều chuyên gia gọi đây là bài học đắt giá về quy hoạch đô thị và vận tải hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh phát triển công nghiệp nhanh chóng nhưng thiếu đồng bộ về hạ tầng.
Về sau, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển đường sắt và tuyến cao tốc mới để giảm tải cho tuyến quốc lộ này. Tuy nhiên, vụ kẹt xe năm 2010 vẫn được nhắc lại như một "cơn ác mộng" giao thông có thật mà không ai muốn trải qua lần thứ hai.