Như đã đưa tin trước đó về vụ lùm xùm điểm thi lớp 10 tại Thái Bình: đoàn thanh tra tỉnh này đã xác định có 2.769 bài thi tự luận bị sai điểm và 1.589 thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển.
Kết luận thanh tra nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến những sai sót trên là do Trưởng ban Thư ký và các cá nhân có liên quan của Ban Thư ký không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thực thi công vụ; ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình - Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát và không kịp thời báo cáo UBND tỉnh Thái Bình về sự cố bất thường tại kỳ thi vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) nhận định: “Theo kết quả thanh tra, ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm chính với vai trò là người đứng đầu Sở và Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi”.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, những thành viên trong Ban thư ký cũng phải chịu trách nhiệm vì đã thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quá trình chấm thi và nhập điểm.
“Ngoài ra, có thể có những cá nhân khác cũng phải chịu trách nhiệm tùy thuộc vào mức độ sai phạm của từng cá nhân đó” - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề xử lý các sai phạm trên, Luật sư Hoàng Tùng cho hay: Các hình thức xử lý chủ yếu tập trung vào kỷ luật hành chính và kiểm điểm trách nhiệm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sai phạm và các yếu tố liên quan, việc có xử lý hình sự hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm như cố ý làm sai lệch kết quả thi cử, thì có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Đồng quan điểm, Luật sư Phùng Huyền - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, cho biết: Cần có sự vào cuộc của Cơ quan điều tra, thu thập các chứng cứ làm rõ thiệt hại phát sinh và việc có hay không có tiêu cực trong kỳ thi THPT tại tỉnh Thái Bình.
Trường hợp qua điều tra xác định có dấu hiệu của tội phạm, các cá nhân liên quan trong vụ việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng (Điều 360 BLHS).
Trường hợp qua điều tra xác định không có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, đánh giá tính chất, mức độ, nguyên nhân và hậu quả hình vi vi phạm của từng tập thể, cá nhân trong vụ việc để có hình thức kỷ luật cụ thể theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 71/2023/NĐ-CP.
Luật sư Phùng Huyền phân tích thêm: Căn cứ Quyết định 341/QĐ-UBND ngày 25/03/2024 của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thành lập các hội đồng tổ chức ra đề thi, chấm thi,.. theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Đồng thời, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo cũng là Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi.
Theo Điều 27 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT 2024 hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 thì đối với bài thi tự luận sẽ được chấm hai vòng độc lập bởi hai tổ chấm thi khác nhau, sau khi thống nhất điểm bài thi và chốt được điểm chính thức thì cán bộ được phân công tiến hành nhập điểm bài thi tự luận vào hệ thống trước khi hồi phách bài thi tự luận. Việc khớp phách thực hiện trên phần mềm, ghép toàn bộ dữ liệu điểm bài thi và dữ liệu thông tin thí sinh kèm số phách.
Sau đó, Ban thư ký sẽ tiến hành ghép phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận. Trường hợp có sai sót phải lập biên bản cáo Chủ tịch Hội đồng kỳ thi (đối với kỳ thi vào lớp 10 là Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi) để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
Theo Kết luận thanh tra, trong quá trình thực hiện hồi phách bài thi tự luận, số lượng bài thi được kiểm tra khớp phách bằng tay chỉ đạt tỉ lệ 0,71%, không đảm bảo ít nhất 20% số bài thi tự luận theo quy định. Khi phát hiện sai sót (một số bài thi bị lệch phách), Ban thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót và chuyển cho Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi.
Tuy nhiên, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi là Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Thái Bình không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sai sót qua kiểm tra việc khớp phách của ban thư ký, điều này là không đúng quy định.
Về phía những học sinh bị ảnh hưởng do sai sót của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT tỉnh Thái Bình, Luật sư Phùng Huyền cho rằng: “Thiệt hại tinh thần trong những vụ việc như thế này là rất lớn, thậm chí thành cú sốc trong tâm lý đối với những em từ đậu thành trượt. Do vậy, thiết nghĩ, cần sâu sát và có những động viên kịp thời với thí sinh bị ảnh hưởng tiêu cực từ những sai phạm và thu thập thêm dữ liệu những hậu quả ảnh hưởng về tinh thần đối với thí sinh để xem xét trách nhiệm của hành vi sai phạm".
Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Phạm Văn Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - khẳng định quan điểm của UBND tỉnh là chỉ đạo ngành thanh tra tiếp tục làm rõ các nội dung liên quan những sai sót trong kỳ thi. "Về trách nhiệm, UBND tỉnh Thái Bình cũng nhận trách thiếu sót trong công tác lãnh đạo chỉ đạo tổ chức kỳ thi để dư luận băn khoăn. UBND tỉnh chưa sát sao hết, tất nhiên trách nhiệm chính thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo. UBND tỉnh xin nhận lỗi trước phụ huynh, học sinh", ông Nghiêm nói.