Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vụ tai nạn 7 người chết 3 người bị thương ở Yên Bái: Người sử dụng lao động có thể bị phạt tù?

Liên quan đến vụ tai nạn lao động làm 7 người chết 3 người bị thương ở Yên Bái, người sử dụng lao động phải chịu những trách nhiệm gì trong sự việc này.

Như tin trước đó đã đưa vào khoảng 13h30 ngày 22/4, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra tại Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, khiến 07 người tử vong và 03 người bị thương. 

3 nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn đang điều trị tại bệnh viện trong đó, 2 người bị chấn thương nặng (gẫy chân, gẫy tay, vỡ đốt cột sống); 1 người bị nhẹ, sai khớp chân. Hiện sức khỏe cả 3 người đều đã ổn định.

Được biết, thời điểm xảy ra sự cố, một nhóm công nhân đang tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3. 

Hiện tại, vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ, tuy nhiên theo xác định nguyên nhân ban đầu là do sự cố động cơ điện của máy nghiền.

vu-tai-nan-7-nguoi-chet-o-cty-xi-mang-yen-bai2-1713839450-1713840860.jpg
Khu vực xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh OFFB

Liên quan đến trách nhiệm của các bên trong sự việc này, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Công Tín thuộc Công ty Luật AMI - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết: Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì công việc trực tiếp lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh máy nghiền là việc làm có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện cho người lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.

Trong vụ việc này, nếu qua điều tra xác định được rằng, người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện, cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm việc dẫn đến tai nạn lao động chết người thì người sử dụng lao động có thể bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Với hậu quả gây chết 7 người, người sử dụng lao động, người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động có thể bị xử phạt lên đến 07 năm tù”, luật sư Nguyễn Công Tín phân tích.

luat-su-nguyen-cong-tin-1713860629.jpg
Luật sư Nguyễn Công Tín thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Luật sư Nguyễn Công Tín chia sẻ thêm: Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động; Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động; Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động với mức ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%, ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động; Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc…

Ngoài ra, khi xảy ra tai nạn lao động, người lao động còn có thể được hưởng trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng được quy định như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài mức trợ cấp nêu trên, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hàng tháng quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp nêu trên, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

- Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo Luật bảo hiểm xã hội.

Xem thêm: Làm rõ nguyên nhân 7 người thiệt mạng tại Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái