Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Vụ việc Vũ Thị Khánh Huyền – Có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, mua bán, bắt giữ người trái pháp luật

Hành vi của Vũ Thị Khánh Huyền có dấu hiệu cấu thành nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do thân thể và tài sản của công dân Việt Nam.

Báo congly.vn cho hay, Vũ Thị Khánh Huyền (SN 1999, ở thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), là đối tượng bán 8 người sang Lào và Myanmar để chiếm đoạt tiền tỷ. Huyền bị Công an tỉnh Gia Lai và Điện Biên bắt về tội “Mua bán người” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

ls-ha-1744080020.jpg
Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội

Luật sư Hoàng Văn Hà – Giám đốc Công ty luật ARC Hà Nội nêu quan điểm:

Đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu Vũ Thị Khánh Huyền lừa gạt, đưa người sang nước ngoài để cưỡng bức lao động, chiếm đoạt tài sản và đe dọa tính mạng nạn nhân thì đây là một vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, mang yếu tố tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do thân thể và tài sản của công dân Việt Nam.

Không chỉ đơn thuần là hành vi lừa đảo, đây còn là một đường dây tội phạm xuyên biên giới, có sự cấu kết với các cá nhân nước ngoài, mục đích bóc lột lao động, cưỡng đoạt tài sản, giam giữ trái phép, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế về quyền con người.

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi của Vũ Thị Khánh Huyền có dấu hiệu cấu thành nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng sau:

1. Tội mua bán người – Điều 150 BLHS

Móc nối với đối tượng người nước ngoài, đưa 8 công dân Việt Nam sang Myanmar và Lào để bóc lột lao động. Mức phạt: Từ 5 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

2. Tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép – Điều 349 BLHS

Dụ dỗ, tổ chức đưa người vượt biên qua Lào bằng hình thức trái phép. Mức phạt: Từ 1 năm đến 15 năm tù, tùy theo mức độ và số lượng người trốn đi.

3. Tội cưỡng đoạt tài sản – Điều 170 BLHS

Đòi tiền chuộc với mức lên đến 210 triệu đồng/người, tổng số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng. Mức phạt: Từ 3 năm đến 20 năm tù.

4. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Điều 174 BLHS

Sử dụng thông tin gian dối để lôi kéo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân hoặc người thân họ. Mức phạt: Từ 12 năm đến tù chung thân, nếu chiếm đoạt với giá trị đặc biệt lớn, có tổ chức.

5. Tội bắt giữ người trái pháp luật – Điều 157 BLHS

Thu giữ hộ chiếu, không cho liên lạc, ép làm việc trái ý muốn, đe dọa và đánh đập nếu không làm theo.Mức phạt: Từ 2 năm đến 12 năm tù, nếu có tổ chức, bắt giữ nhiều người, vì mục đích vụ lợi.

Hành vi của bị can Vũ Thị Khánh Huyền là cố ý trực tiếp, thực hiện nhiều tội danh nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần, có tổ chức, xuyên quốc gia và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Với hành vi như trên, bị can hoàn toàn có thể bị áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài trách nhiệm hình sự, bị can còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất và tinh thần cho các nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Đối với các cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi tiếp tay, giữ người, bóc lột và ép buộc lao động, cần được xử lý bằng cơ chế hợp tác tư pháp quốc tế, dẫn độ, truy cứu trách nhiệm theo pháp luật hình sự Việt Nam hoặc luật pháp quốc tế có liên quan.

Các tài khoản ngân hàng có liên quan đến hành vi chuyển tiền chuộc người cần được tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và truy thu tài sản bất hợp pháp để khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.

Đây là vụ án có tính chất cảnh báo cao đối với xã hội, đặc biệt là thanh niên ở vùng biên giới và các địa phương khó khăn. Việc nhẹ, lương cao, đi làm nước ngoài... luôn là "mồi câu" phổ biến của các đối tượng mua bán người hiện nay.

Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu rõ nguồn gốc việc làm, và không bao giờ giao nộp hộ chiếu, giấy tờ tùy thân cho người không rõ danh tính, tránh trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người tinh vi.

Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội