Bật còi xin đường nhưng dừng lại… chụp ảnh
Vụ việc xảy ra ngày 12/5 trên tuyến đường cao tốc dài 117km dẫn vào huyện Medog, một khu vực hẻo lánh thuộc khu tự trị Tây Tạng. Tuyến đường này từng được mệnh danh là “nơi cuối cùng không có đường bộ ở Trung Quốc” do địa hình hiểm trở, trước khi chính thức được thông xe vào năm 2013. Từ đó, nơi đây trở thành điểm đến hút khách du lịch nhờ cảnh quan hùng vĩ và thử thách lái xe mạo hiểm.
Tài khoản mạng xã hội có tên @dayangdelutu, một người đam mê du lịch bằng ô tô từ tỉnh Sơn Đông, đã đăng tải đoạn video tố cáo xe cấp cứu lợi dụng ưu tiên để phục vụ mục đích cá nhân.

Anh kể rằng vào ngày hôm đó, tuyến đường chỉ cho phép xe biển chẵn lưu thông theo chiều vào Medog vì điều kiện đường trơn trượt. Khi đang lái xe, anh nghe tiếng còi hụ và nhìn thấy xe cấp cứu bật đèn ưu tiên áp sát phía sau, buộc anh và bạn đồng hành phải tấp vào lề để nhường đường.
Tuy nhiên, vài phút sau, họ ngạc nhiên khi thấy chiếc xe cấp cứu đậu ở một điểm ngắm cảnh nổi tiếng, và những người bên trong xe bước ra chụp ảnh như khách du lịch.
Sau đó không lâu, chiếc xe cấp cứu tiếp tục bật còi xin vượt, lần này trong điều kiện giao thông không cho phép nhường đường. Tiếng còi liên tục vang lên khiến nhóm của @dayangdelutu bức xúc, buộc họ phải chặn xe lại và yêu cầu làm rõ.
Qua đối thoại, họ phát hiện xe mang biển số đăng ký tại thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam). Một người đàn ông bước xuống từ xe, quát mắng nhóm du khách và khẳng định rằng chỉ cảnh sát mới có quyền cấm họ sử dụng còi ưu tiên. Người này còn thách thức: “Cứ gọi công an đi!”
Ngay sau đó, nhóm du khách đã lập tức báo cho lực lượng chức năng. Cảnh sát giao thông xuất hiện, ngắt còi ưu tiên và phạt tài xế 200 nhân dân tệ (tương đương khoảng 650.000 đồng).

Công ty bị đình chỉ, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra
Ngày 13/5, Ủy ban Y tế thành phố Tam Á ra thông báo chính thức, đình chỉ hoạt động của công ty điều hành chiếc xe cấp cứu trên, đồng thời yêu cầu làm rõ quy trình vận hành và chấn chỉnh toàn bộ đội ngũ.
Xe cấp cứu trên thuộc sở hữu của Orient Air Medical Association, một đơn vị cung cấp dịch vụ cấp cứu tư nhân vì lợi nhuận có trụ sở tại Hải Nam. Đơn vị này đã cử xe đến Tây Tạng để phục vụ lâu dài, song không có quyền ưu tiên tương đương xe cấp cứu công lập, theo quy định y tế Trung Quốc.
Trước đó, luật sư Phó Kiện thuộc Văn phòng luật Zejin Hà Nam cũng từng nhấn mạnh: “Các tổ chức phi y tế hoặc cá nhân không được phép mua hoặc vận hành xe cấp cứu. Nếu gây nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhân, sẽ bị xử lý hình sự.”

Sau khi video lan truyền, hàng loạt ý kiến chỉ trích xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc:
“Ưu tiên xe cấp cứu là để cứu người, không phải để đưa khách đi chụp ảnh.”
“Đây là hành vi lợi dụng đặc quyền vì lợi ích cá nhân, cần bị xử lý nghiêm.”
Một nhân viên y tế thuộc hệ thống xe cấp cứu nhà nước chia sẻ với Tide News: “Ngay cả xe cấp cứu công lập, khi bị kẹt xe cũng phải tắt còi, không thể ép người khác nhường bằng mọi giá.”
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tình trạng bệnh nhân phải chuyển viện liên tỉnh khiến nhiều gia đình buộc phải thuê xe cấp cứu tư nhân do xe công lập không hỗ trợ dịch vụ dài ngày. Vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý hiệu quả dịch vụ cấp cứu dân sự, tránh biến tướng và lạm dụng.