Hudson Cole Perrins qua đời vào ngày 27/6, sau khi được bố đưa đến Bệnh viện New Cross ở Wolverhampton vì đau bụng dữ dội. Mặc dù có tiền sử bệnh tim, thận và bàng quang, Hudson được cho xuất viện vào tối 23/6 với chẩn đoán táo bón.
Mẹ bé, chị Kayleigh Taundry, bức xúc cho rằng đội ngũ y tế đã vội vàng chọn cách chẩn đoán đơn giản nhất và yêu cầu bệnh viện phải có lời giải thích về phương pháp điều trị cho con mình.
Chia sẻ với Mail Online, Kayleigh đau đớn nói: “Cảm giác như mặt đất sụp đổ dưới chân, chúng tôi rơi vào một hố đen và không muốn điều này lặp lại với bất kỳ gia đình nào khác. Tôi luôn dằn vặt bản thân, cứ tự hỏi: ‘Nếu như? Nếu như ca khám là vào ban ngày? Nếu như tôi đưa con đi?’ – tất cả chỉ là những câu hỏi không có lời giải.”
Cậu bé đáng yêu và tình cảm
Hudson chỉ còn một tháng nữa là tròn ba tuổi và đang phát triển tốt như các bạn cùng trang lứa. Kayleigh cho biết: “Con rất tinh nghịch, hiếu động nhưng cũng rất tình cảm và thích được ôm ấp. Con là thiên thần nhỏ của gia đình chúng tôi.”
Chị mong rằng từ câu chuyện đau lòng này, bệnh viện sẽ rút ra bài học để không gia đình nào phải trải qua nỗi đau như họ.
Những dấu hiệu bị bỏ qua
Khi Hudson được bố là Greg đưa đến bệnh viện, các bác sĩ chỉ kiểm tra bụng và kê hai viên thuốc đặt hậu môn cùng một liều thuốc xổ, sau đó cho bé về nhà. Greg liên tục cập nhật tình hình cho Kayleigh, nhưng vì ca trực diễn ra vào ban đêm nên chị không hay biết cho đến sáng hôm sau.
Hudson không có dấu hiệu đi ngoài, và không xét nghiệm thêm nguyên nhân khác. Kayleigh đặt câu hỏi tại sao bệnh viện không lấy mẫu nước tiểu, nhất là khi bé có tiền sử bệnh thận và bàng quang.
Diễn biến xấu đi nhanh chóng
Ngày hôm sau, khi Hudson bắt đầu co giật, Kayleigh và bạn đời Shannon Waightman vội đưa bé trở lại bệnh viện. Hudson được chuyển đến Đơn vị Chăm sóc Tích cực Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Birmingham và phải đặt máy hỗ trợ sự sống.
Ba ngày sau, bé qua đời do nhiễm trùng máu từ nhiễm trùng đường tiểu (UTI) lây lan đến thận và gây chấn thương não nghiêm trọng.
Kayleigh khẳng định không trách bố của Hudson nhưng cho rằng bệnh viện cần nỗ lực liên hệ với chị để có quyết định đúng đắn hơn: “Tôi hiểu con mình hơn ai hết và với kiến thức y khoa của bản thân, tôi có thể yêu cầu thêm xét nghiệm cần thiết để cứu con.”
Chờ đợi kết quả điều tra
Người phát ngôn của Tổ chức NHS Hoàng gia Wolverhampton cho biết họ sẽ không bình luận cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất. Cuộc điều tra dự kiến diễn ra tại Tòa án quận Black Country vào ngày 5 và 9/12.
Hiện tại, để vượt qua nỗi đau, Kayleigh và Shannon đã thành lập doanh nghiệp tổ chức sự kiện mang tên Hudsy Bears – lấy cảm hứng từ cậu bé xấu số.
Viêm bàng quang ở trẻ em là bệnh gì?
Viêm bàng quang ở trẻ em là bệnh về nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thường gặp. Chúng xảy ra khi vi khuẩn hoặc vi trùng xâm nhập vào bàng quang hoặc thận. Trẻ bị nhiễm trùng tiểu có thể bị sốt, ói mửa hoặc quấy khóc. Trẻ lớn hơn có thể bị sốt, thấy đau khi đi tiểu, tiểu nhiều hoặc đau bụng dưới.
Trẻ em bị viêm bàng quang cần được đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Nhiễm trùng đường tiết niệu rất dễ điều trị và thường khỏi sau 2 – 4 ngày hoặc lâu hơn, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tổn thương 15% nhu mô thận. (1)
Triệu chứng viêm bàng quang ở trẻ em
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
Các triệu chứng viêm bàng quang ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đôi khi không có triệu chứng hoặc do bé còn quá nhỏ nên bạn không nhận thấy những biểu hiện của bệnh. Xét nghiệm nước tiểu là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bé có bị nhiễm trùng bàng quang, thận, viêm bàng quang không. (2)
Các triệu chứng ở trẻ em có thể rất khác so với ở người lớn, đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu con không khỏe, hãy liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe. Khi trẻ nhỏ có các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu, chúng có thể bao gồm:
Sốt có thể là dấu hiệu duy nhất.
Nôn mửa.
Tiêu chảy, khó chịu.
Quấy khóc.
Kém ăn hoặc thèm ăn.
Tăng cân kém
- Trẻ từ 2 đến 5 tuổi
Các triệu chứng viêm bàng quang ở trẻ từ 2 – 5 tuổi có biểu hiện rõ rệt hơn so với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bao gồm:
Đau hoặc rát khi đi tiểu.
Nước tiểu đục, sẫm màu, có máu hoặc có mùi hôi.
Trẻ thường xuyên muốn đi tiểu.
Đau vùng bụng dưới.
Sốt.
Dễ tè dầm.
- Trẻ từ 6 tuổi trở lên
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, triệu chứng viêm bàng quang càng rõ ràng và dễ nhận biết:
Cần đi tiểu thường xuyên và cảm giác muốn đi tiểu ngay nhưng chỉ có một lượng nhỏ nước tiểu chảy ra.
Đi tiểu đau hoặc khó khăn.
Khó chịu phía trên xương mu.
Nước tiểu có mùi hôi.
Máu lẫn trong nước tiểu.
Buồn nôn hoặc nôn.
Sốt và ớn lạnh.
Đau ở lưng hoặc bên hông (dưới xương sườn).
Mệt mỏi.