Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Xử lý như thế nào với nhà thuốc bán hàng của công ty sản xuất hàng giả?

Việc phát hiện sản phẩm liên quan đến công ty sản xuất hàng giả trong hệ thống Pharmacity đặt ra câu hỏi: Doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý thế nào nếu xảy ra sai phạm?

Liên quan đến thông tin một số sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất đã được xác định là hàng giả, một số sản phẩm khác đang được cơ quan chức năng làm rõ, hệ thống nhà thuốc Pharmacity đã thu hồi 4 sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất bao gồm: PMC Hoạt Huyết; PMC Gingko Biloba; PMC Joint Care; PMC Liver Support.

Ngoài ra, Pharmacity cũng đã tiến hành chủ động bỏ kinh phí mặc dù trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất và nhà phân phối, để tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm định kỳ. Kết quả đều cho thấy chất lượng của cả 4 sản phẩm nêu trên đều đạt tiêu chuẩn theo hồ sơ công bố được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép.

Đồng thời, Pharmacity tạm ngừng kinh doanh các sản phẩm trên, mặc dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi băn khoăn, trong trường hợp phát hiện sản phẩm giả, thuốc giả, hoặc sản phẩm liên quan đến công ty sản xuất hàng giả thì các nhà phân phối, bán lẻ thuốc sẽ phải chịu trách nhiệm gì?

Trước đó, ngày 28/4 Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã xác định 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Medi Kid Calcium K2 và Ăn ngon BABY SHARK do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất là hàng giả. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp tục thu giữ thêm 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả, đang chờ kết quả giám định đối với các mẫu sản phẩm trên.

Pharmacity thông báo thu hồi 4 sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất sau khi có thông tin công ty này sản xuất hàng giả.

Pharmacity thông báo thu hồi 4 sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất sau khi có thông tin công ty này sản xuất hàng giả.

Về vấn đề này, PV Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA.

Luật sư Ngọc Anh cho biết, theo Luật Dược 2016, một trong những hành vi cấm trong kinh doanh dược đó là kinh doanh thuốc giả, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

"Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược đều xác định các nhà thuốc bán lẻ có trách nhiệm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thuốc, thực phẩm chức năng chỉ được phép kinh doanh các sản phẩm có giấy tờ hợp pháp, đạt chuẩn chất lượng và được phép lưu hành", LS Ngọc Anh cho hay.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), Điều 194 quy định rõ: Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức hình phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Do vậy, tùy theo mức độ sai phạm, các nhà phân phối, bán lẻ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm chức năng giả có thể đối mặt với ba nhóm trách nhiệm pháp lý: hành chính, dân sự và hình sự.

Về Trách nhiệm hành chính, căn cứ theo Khoản 2 Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), hành vi bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, có thể bị phạt tới 140 triệu đồng (đây là mức áp dụng với cá nhân, đối với tổ chức sẽ là gấp đôi mức này). Đối với hành vi bán thuốc giả mạo, thực phẩm chức năng giả mạo về tem nhãn, bao bì, mức xử phạt cao nhất là 60 triệu đồng đối với cá nhân và 120 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, các hành vi trên có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu tang vật và Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn lên tới 6 tháng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA.

Theo nữ luật sư, bên cạnh đó, đơn vị bán lẻ thuốc cũng có thể bị xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế), cụ thể: phạt tiền đến 20 triệu đồng cho hành vi bán thuốc vi phạm chất lượng mức độ 1; phạt tiền đến 100 triệu đồng cho hành vi bán thuốc  không có giấy đăng ký lưu hành tuỳ thuộc loại thuốc, công dụng thuốc. Các hình xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đình chỉ hoạt động đến 9 tháng tuỳ hành vi, mức độ vi phạm.

Về trách nhiệm dân sự, đơn vị bán lẻ thuốc sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp nhà thuốc có lỗi trong việc không kiểm soát đầu vào khiến thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thực phẩm chức năng giả có thể bán tới tay khách hàng, cụ thể: không tuân thủ việc kiểm tra, đánh giá sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng khi mua/nhập thuốc theo quy định của Bộ Y tế về Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (không kiểm tra nguồn gốc ; không kiểm tra giấy phép lưu hành hay đánh giá các điều kiện lưu hành; mua thuốc, thực phẩm chức năng từ nhà cung cấp không đủ điều kiện pháp lý hoặc không có uy tín…).

Việc bồi thường thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Theo nữ luật sư, dù công ty không cố ý, thì theo nguyên tắc, nếu nhà thuốc không chứng minh được đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm soát chất lượng, nguồn gốc đầu vào của sản phẩm thì sẽ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho khách hàng.

Về Trách nhiệm hình sự, trường hợp xác định có dấu hiệu cấu kết sản xuất, phân phối hàng giả hoặc biết rõ hàng giả vẫn phân phối đơn vị bán lẻ hoặc cá nhân quản lý liên quan có thể bị truy tố hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 – “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Ngoài ra, cá nhân chịu trách nhiệm (Giám đốc, Trưởng phòng mua hàng, Quản lý chất lượng...) của đơn vị bán lẻ thuốc có thể bị xử lý nếu có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS).

Mộc Trà