Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

03 Luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo đó, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật, trong đó có 03 luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Hội trường.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành nhằm khắc phục những bật cập, hạn chế sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Luật gồm 09 chương, 89 điều, với một số nội dung cơ bản như: (i) Quy tắc giao thông đường bộ; (ii) Phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (iii) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (iv) Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (v) Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (vi) Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; (vii) Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ...
 

Lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp; nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; góp phần xây dựng lực lượng Cảnh vệ đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Luật gồm 02 điều, sửa đổi, bổ sung 15 điều thuộc 04 chương của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (i) Đối tượng cảnh vệ; (ii) Chế độ cảnh vệ; (iii) Biện pháp cảnh vệ; (iv) Lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ; (v) Quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội…

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp; nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật sử dụng các loại vũ khí tự chế, dao, kiếm, mã tấu và nhiều loại công cụ nguy hiểm khác; đồng thời sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Luật gồm 8 chương, 75 điều, trong đó, có một số nội dung mới quy định "dao có tính sát thương cao" thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, khi sử dụng vào mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ thì xác định là vũ khí thô sơ, khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì xác định là vũ khí quân dụng; đồng thời, giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển hoặc mang dao có tính sát thương cao nhằm tăng cường quản lý các hoạt động này, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng để vi phạm pháp luật...

Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Bên cạnh việc thông qua các luật nêu trên, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cũng cho ý kiến đối với 02 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm: dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành.
 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).


Tại Kỳ họp, Quốc hội đã phân tích, đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung trong dự thảo Luật về các hành vi mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; đối tượng và chế độ hỗ trợ, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người...; đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ; nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người; quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ; quy định giao trách nhiệm cho cơ quan nơi nạn nhân về cư trú trong việc theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, hỗ trợ hiệu quả nhất cho nạn nhân đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên; trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống mua bán người...

Về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), dự án Luật này được xây dựng nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC&CNCH; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế. 
 

Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về dự án Luật PCCC&CNCH.

Tại Kỳ họp, Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; nguyên tắc PCCC&CNCH; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ, việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia PCCC&CNCH; giải pháp và biện pháp phòng cháy; trách nhiệm chữa cháy; quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ; nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC&CNCH cơ sở, chuyên ngành; thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy...; đồng thời, góp ý về bố cục dự thảo Luật; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về các nhiệm vụ đã được xác định tại Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện PCCC&CNCH; làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh...

Việc Quốc hội thông qua và cho ý kiến đối với các luật, dự án luật nêu trên có ý nghĩa chính trị và pháp lý rất quan trọng, tạo cơ sở vững chắc giúp lực lượng Công an nhân dân trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách về an ninh, trật tự, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cũng như xây dựng lực lượng Công an nhân dân, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Hồng Giang/Cổng TTĐT Bộ Công an