Báo Sức khoẻ & Đời sống đưa tin, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh".
Qua khám xét, công an thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Trong đó có 44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion, 1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn và 4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Sigapore).

21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả được lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống.
Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện 2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn, 1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh), 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh), 2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn, 930 hộp thuốc Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn, 6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn, 1.014 hộp thuốc Phong tê nhức Bạch xà vương, 4.743 hộp thuốc Phong tê nhức Hổ cốt hoàn, 845 hộp thuốc Đa xoang mũi, 4.012 hộp thuốc Viên vai cổ, 2.413 hộp thuốc Yuan Bone, 834 hộp thuốc Thoái cốt hoàn plus, 515 hộp thuốc Thoái hóa nhức khớp hoàn plus, 657 hộp thuốc Thoái hóa tọa cốt đơn.
Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả gồm hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột. Nhiều thiết bị và máy móc như dây chuyền sản xuất, máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán và hàng nghìn các sản phẩm hàng hóa là thuốc chữa bệnh khác chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.
Căn cứ các quy định của Luật Dược, Cục Quản lý Dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế các ngành khẩn trương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm thuốc giả sau:
- Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), số đăng ký VD-25305-16; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), số đăng ký VD-28109-17; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), số đăng ký VD-14429-11; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion (Ghi chú: Thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành với các thông tin chính thức như sau: Số giấy phép lưu hành 300111082223 (số đăng ký cũ VN-18966-15); hoạt chất Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg, Sulfogaiacol 100mg, cao mềm Grindelia 20mg; dạng bào chế: viên nén bao đường; đóng gói hộp 2 vỉ x 10 viên; nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500).
- 16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành:

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm Công điện 41/CĐ-TTg ngày 17-4 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Chỉ thị 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; cũng như các công văn khác của Bộ Y tế có liên quan.
Sở y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn rà soát lại quy trình mua thuốc, cung ứng thuốc và tình hình cung ứng thuốc trong thời gian qua; bảo đảm thuốc được cung ứng là thuốc đã được cấp giấy phép lưu hành và cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có hóa đơn chứng từ đầy đủ.
Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ bất thường, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng thuốc và báo cáo cơ quan quản lý y tế, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các thuốc giả có các thông tin nêu trên.
Cùng với đó, sở y tế tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị chức năng (phòng nghiệp vụ dược/ hành nghề y dược…) tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn, chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc do các cơ sở kinh doanh, sử dụng.
Thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo 389 địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc các thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, theo Pháp luật TP.HCM.