Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

6 tháng năm 2024, Việt Nam chi 1,53 tỷ USD nhập khẩu bông

6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 766.000 tấn bông với giá trị 1,53 tỷ USD, tăng cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 110.000 tấn bông từ các quốc gia trên thế giới với kim ngạch 225 triệu USD, giảm 6,8% về lượng và 7,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu 766.000 tấn bông với giá trị 1,53 tỷ USD, tăng lần lượt 21,6% về lượng và 9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Về giá, theo Mekong ASEAN, tính toán từ số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, giá nhập khẩu bông trung bình trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 1.995,5 USD/tấn. Việt Nam nhập khẩu từ 11 thị trường chính, trong đó có 5 thị trường có mức giá cao hơn so với mức trung bình Việt Nam nhập khẩu bông từ thế giới.

6-thang-nam-2024-viet-nam-chi-153-ty-usd-nhap-khau-bong-1720666362829516408252-0-0-595-952-crop-17206663665401666391576-1720854388.jpg
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu bông từ Trung Quốc có giá cao nhất với mức trung bình đạt 3.832,3 USD/tấn, đứng sau là Hàn Quốc với 2.179 USD/tấn, Mỹ với 2.098 USD/tấn, Australia với 2.092 USD/tấn và Brazil với 2.044 USD/tấn.

Đối với các thị trường còn lại, bông nhập khẩu từ Argentina có giá trung bình đạt 1.892 USD/tấn, Bờ Biển Ngà với 1.871 USD/tấn, Pakistan với 1.757 USD/tấn, Đài Loan (Trung Quốc) với 1.723 USD/tấn và Ấn Độ với 1.684 USD/tấn. Indonesia là thị trường có giá nhập khẩu bông thấp nhất với mức trung bình đạt 1.360 USD/tấn.

Về lượng, theo báo Công Thương, Brazil là thị trường có lượng bông nhập khẩu lớn nhất với 216.767 tấn, tăng tới 158% so với cùng kỳ năm trước. Đứng sau là Mỹ với 190.765 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; Australia với 94.017 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước; Ấn Độ với 50.988 tấn, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước...

Trong số các thị trường chính, lượng bông nhập khẩu từ Pakistan ghi nhận tăng tới 3.380% về lượng, từ 149 tấn (5 tháng đầu năm 2023) lên 5.186 tấn (5 tháng đầu năm 2024).

Ngược lại, lượng nhập khẩu bông từ Hàn Quốc giảm sâu 72% so với cùng kỳ năm trước, từ 1.168 tấn xuống còn 324 tấn; Đài Loan (Trung Quốc) giảm 64%, còn 15 tấn... Lượng bông nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, còn 76 tấn.

Về kim ngạch, Việt Nam chi 443 triệu USD nhập khẩu bông từ Brazil, tăng tới 111% so với cùng kỳ năm trước; chi 400 triệu USD nhập khẩu bông từ Mỹ, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các thị trường lớn, kim ngạch nhập khẩu bông từ Australia cũng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, còn 196 triệu USD; từ Ấn Độ lại tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, lên 85 triệu USD.

Cùng với đà tăng về lượng, kim ngạch nhập khẩu bông từ Pakistan tăng tới 4.450%, từ 0,2 triệu USD cùng kỳ năm 2023 lên 9,1 triệu USD 5 tháng đầu năm 2024.

Trái ngược với đà giảm về lượng, kim ngạch nhập khẩu bông từ Trung Quốc lại tăng thêm 16% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 0,29 triệu USD.

Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm. Nước ta cũng là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới và là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Sở dĩ Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu bông vì đây là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp xơ sợi và dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), sản lượng bông trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 1% nhu cầu; xơ, sợi khoảng 30%; vải 20%; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, ngành bông toàn cầu đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể cả về sản xuất và tiêu thụ. Báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy mức giảm lớn trong dự báo về sản lượng bông toàn cầu mùa vụ 2023-2024 và giảm 4,2 triệu kiện so với mùa vụ trước. Sản lượng giảm ở các khu vực như Tây Phi, Mỹ, Hy Lạp, Mexico và Ấn Độ đã làm lu mờ sự gia tăng sản lượng ở Brazil.

Giá của bông sợi đã bị ảnh hưởng vì giá của những nguyên liệu thay thế như visco, polyester, chính sách thương mại của các quốc gia… Theo Hiệp hội Bông Quốc tế (ICAC), giá bông được dự báo sẽ có xu hướng tăng vì nhu cầu dần hồi phục trong năm 2024.