Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 người để điều tra 2 tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan CSĐT xác định các bị can đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai, bán ra thị trường thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Đường dây này tồn tại từ tháng 8/2021, đến thời điểm tháng 4/2025 đã thành lập đến 11 công ty, rầm rộ quảng cáo sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế, phân phối rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành cả nước, theo thông tin từ Thanh Niên.
Vụ việc này không chỉ gây hoang mang với người tiêu dùng mà còn đặt ra dấu hỏi lớn trong công tác quản lý thị trường và giám sát an toàn thực phẩm (ATTP). Nhiều người tiêu dùng lo lắng, tự hỏi tại sao gần 600 loại sữa, với quy mô sản xuất lớn có thể hoạt động suốt 4 năm mà không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đơn vị nào chịu trách nhiệm cho việc này?

Một hộp sữa bị công an xác định là giả trong vụ án. Ảnh: VTV
Bộ Công Thương nói gì?
Thông tin trên Tuổi trẻ Online, Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột giả là sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất không thuộc đối tượng quản lý của bộ này.
Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.
Chia sẻ trên Tiền Phong, ông Trần Hữu Linh - Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho biết: Bộ Công Thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group mà chỉ có thể tiến hành kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Y tế nói gì?
Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có thông tin chính thức liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả.
Theo Bộ Y tế, việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và UBND các cấp.
Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại nghị định 15/2018/NĐ-CP. Theo đó đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Theo nghị định 15, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm "tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi".
Ngoài ra, nghị định 15 cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể và trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Nghị định 15 quy định UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn thực phẩm tại địa phương tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị thu giữ để phục vụ điều tra. Ảnh: TTO
“Đối với sữa chế biến thường, hiện UBND cấp tỉnh giao cho sở Công Thương quản lý; còn sữa bổ sung giao cho sở Y tế. Với việc đã phân cấp về cho địa phương, Cục An toàn thực phẩm hiện chỉ tiếp nhận công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Do đó, nếu xảy ra vi phạm, các địa phương phải chịu trách nhiệm và xử lý”, Tiền Phong dẫn lời bà Trần Việt Nga - Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết.
Trước câu hỏi về trách nhiệm trong công tác hậu kiểm, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho hay: Với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hằng năm chỉ xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương; phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.
Riêng đối với vụ sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị khởi tố, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết đang phối hợp với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn để cơ quan điều tra có căn cứ xử lý, truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trách nhiệm hậu kiểm thuộc về ai?
Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ luật sư Diệp Năng Bình cho hay: Theo quy định hiện nay các mặt hàng sữa chế biến, trong đó có sữa dạng bột do Bộ Công Thương quản lý; không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý.
Theo nghị định số 15/2018, Bộ Công Thương quản lý và phân cấp quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các sản phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm này.
Theo các quy định hiện hành, trách nhiệm trong hoạt động hậu kiểm đối với việc cấp phép sản xuất và buôn bán sữa bột thuộc về ngành công thương. Trong đó nếu cơ sở sản xuất có công suất thiết kế lớn (sữa chế biến từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên; bột và tinh bột từ 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên) sẽ do cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương thực hiện công tác hậu kiểm.
Trong trường hợp công suất thiết kế nhỏ hơn sẽ do Sở công thương các tỉnh, thành phố phân công thực hiện hậu kiểm. Đối với các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý sẽ do cơ quan thanh tra thuộc Bộ Y tế hoặc sở y tế các tỉnh, TP thực hiện hậu kiểm.
Theo ông Bình, vấn đề lỗ hổng trong việc quản lý các mặt hàng này hiện nay là do theo quy định tại nghị định 15/2018, sữa dạng bột được xếp tại danh mục thực phẩm nên quy trình sản xuất và đưa ra thị trường kinh doanh của các sản phẩm sữa hiện nay được tự công bố sản phẩm. Nghĩa là ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
"Có thể thấy điều kiện để sản xuất kinh doanh sữa đưa ra thị trường hiện nay đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của họ. Tuy nhiên việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng xuất hiện mặt trái là một số đơn vị không công bố chất lượng sản phẩm. Thậm chí sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường, trong khi nhãn hàng có nhiều loại khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác kiểm soát", luật sư Bình phân tích.
Cũng theo vị luật sư, hiện có nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có sản phẩm sữa, được một số doanh nghiệp thuê đơn vị sản xuất, tự công bố sản phẩm và bán trên các gian hàng thương mại điện tử. Chính vì vậy việc hậu kiểm của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.