Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Án Tây-Luật Ta: Phát hiện đường dây tham nhũng vật tư y tế

Trong một cuộc điều tra do Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) tại Praha (Cộng hòa Séc) dẫn đầu, 36 cuộc khám xét đã được tiến hành trong ngày 19/2 và 10 nghi phạm đã bị bắt giữ vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến các hợp đồng công cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện

Án Tây:

Bắt 10 nghi phạm trong đường dây tham nhũng vật tư y tế

Các cuộc khám xét được thực hiện tại 11 thành phố ở Séc. Trung tâm Quốc gia chống tội phạm có tổ chức của Cảnh sát Séc (Národní centrála proti organizovanému zločinu - NCOZ) đã đột kích nhà riêng, văn phòng của nghi phạm và văn phòng quản lý của 2 bệnh viện.

Các nghi phạm bao gồm tổng giám đốc một bệnh viện và các nhà quản lý của cơ quan ký hợp đồng cũng như giám đốc các nhà cung cấp trang thiết bị y tế.

Theo EPPO, vấn đề đang được đề cập trong cuộc điều tra là một tổ chức tội phạm bị nghi ngờ đã hoạt động ít nhất từ năm 2022 và được thành lập với mục đích thao túng một cách có hệ thống việc mua sắm công các vật tư y tế cho bệnh viện.

Mục đích của tổ chức tội phạm là nhằm mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp được xác định trước và trong một số trường hợp, mua sắm thiết bị y tế mà không cần kích hoạt một thủ tục mua sắm nào.

Các trang thiết bị y tế bao gồm bàn mổ, thiết bị phẫu thuật nội soi và nội soi khớp, máy nội soi, máy khử rung tim, máy khoan phẫu thuật và máy thở.

Điều tra của EPPO cho thấy, các nhà cung cấp được xác định trước có cơ hội tham gia vào việc tạo ra các điều kiện đấu thầu ưu tiên trong hệ thống quản lý mua sắm công, trước khi thông báo đấu thầu công khai, để điều chỉnh hợp đồng cho các nhà cung cấp.

Điều này được hiểu rằng, các nghi phạm đã chuyển thông tin bí mật đến các nhà cung cấp ưu tiên, bao gồm nội dung chào hàng từ các nhà cung cấp cạnh tranh và yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu - trong một số trường hợp, cho phép các nhà cung cấp ưu tiên soạn thảo phản hồi cho các yêu cầu đó.

Dựa trên các bằng chứng, khi một nhà cung cấp xác định trước được trao hợp đồng công, họ sẽ hối lộ trị giá 10% giá hợp đồng cho những nghi phạm làm việc cho cơ quan ký hợp đồng, thông qua một người trung gian. Người này cũng đóng vai trò thực hiện hợp đồng.

Để che đậy nguồn gốc của số tiền bất chính, nhóm tội phạm bị cáo buộc đã sử dụng hóa đơn giả cho các dịch vụ không có thật, do các công ty liên kết phát hành.

Điều này được hiểu rằng, số tiền hối lộ sau đó đã được người đứng đầu nhóm tội phạm có tổ chức phân phát bằng tiền mặt cho các thành viên nhóm.

Việc cung cấp một số thiết bị y tế cho các bệnh viện được Quỹ Phát triển khu vực châu Âu đồng tài trợ, theo chương trình "Hỗ trợ phục hồi cho sự gắn kết và các vùng lãnh thổ của châu Âu" (REACT-EU). Ước tính, các hoạt động sai phạm đang được cơ quan cảnh sát điều tra, cho đến nay đã gây thiệt hại gần 1 triệu euro ngân sách EU.

EPPO là cơ quan công tố độc lập của Liên minh châu Âu, chịu trách nhiệm điều tra, truy tố và xét xử những tội phạm chống lại lợi ích tài chính của Liên minh.

Pháp luật - Án Tây-Luật Ta: Phát hiện đường dây tham nhũng vật tư y tế

ảnh minh họa

Luật Ta:

Nhận hối lộ càng nhiều, tội càng nặng

Theo pháp luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, tội tham nhũng là hành vi của người có chức vụ hoặc quyền hạn đã lợi dụng hoặc lạm dụng những chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tập thể, cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định các tội danh tham nhũng gồm: Tội Tham ô tài sản (Điều 353), khung hình phạt thấp nhất là 2 năm tù giam và cao nhất là tử hình; Tội Nhận hối lộ (Điều 354), khung hình phạt thấp nhất là 2 năm tù giam và cao nhất là tử hình; Tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355), khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù giam và cao nhất là tù chung thân, khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù giam và cao nhất là 15 năm tù giam; Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù giam và cao nhất là 15 năm tù giam; Tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357), khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù giam và cao nhất là 20 năm tù giam; Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù giam và cao nhất là tù chung thân; Tội Giả mạo trong công tác (Điều 359), khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù giam và cao nhất là 20 năm tù giam.

Trong vụ án trên, cơ quan điều tra phải làm rõ hành vi của các nghi phạm đã cấu thành tội danh gì? Trên cơ sở đó mới có chế tài cụ thể để xử lý. Dựa trên các bằng chứng, khi một nhà cung cấp xác định trước được trao hợp đồng công, họ sẽ hối lộ trị giá 10% giá hợp đồng cho các nghi phạm làm việc cho cơ quan ký hợp đồng, thông qua một người trung gian. Người này cũng đóng vai trò thực hiện hợp đồng. Số tiền hối lộ sau đó đã được người đứng đầu nhóm tội phạm có tổ chức phân phát bằng tiền mặt cho các thành viên nhóm.

Với cáo buộc trên, các nghi phạm có thể bị xử lý về tội Nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất.

Nếu phạm tội có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

 

Ánh Dương/Người Đưa Tin