Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bà chủ quán cơm vạch mặt kẻ lừa đảo sau khi nhận số tiền đặt hàng khủng

Sau khi đặt hàng, đối tượng đã chuyển khoản cho bà chủ quán cơm một số tiền lớn. Bằng sự cảnh giác cao độ, sự việc được trình báo công an và đã nhanh chóng ngăn chặn được vụ lừa đảo cực kỳ tinh vi.

Lừa đảo chủ quán cơm

Loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoạt động rất phức tạp, ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, thực hiện theo các kịch bản soạn sẵn, chiếm đoạt số tiền lớn, khiến nạn nhân không kịp trở tay.

Điển hình sự việc xảy ra hết sức bất ngờ với chị N.T.H. là chủ quán cơm N.S ở xã Phú Định, huyện Bố Trạch. Chỉ cần chị thiếu cảnh giác, tin người thì lập tức sẽ thành "con mồi" béo bở cho đối tượng lừa đảo.

Theo đó, vào tối 1/10, chị N.T.H. đã điện báo cho Công an xã về việc có đối tượng xưng là cán bộ quân đội đặt 80 suất cơm, mỗi suất 90.000 đồng và cung cấp trong 03 ngày (từ ngày 01-03/10/2024). 

1000030087-17279424406011014158581-1727946791.jpg

Hình ảnh giả mạo đến ngân hàng nộp tiền được đối tượng gửi cho chị H. (Ảnh: Công an Quảng Bình).

Đối tượng xin số tài khoản và báo đã chuyển tiền cho chị H. số tiền 45 triệu đồng. Đối tượng chụp ảnh phiếu chuyển tiền gửi qua Zalo cho chị H. Sau đó liên lạc nhờ chị H. mua số lượng lớn bánh lương khô.

May mắn là trước đó chị H. và người dân trên địa bàn xã đã được Công an xã Phú Định tuyên truyền thủ đoạn tương tự nên chị H. đã không làm theo yêu cầu của đối tượng và điện báo cho công an xã nội dung trao đổi giữa chị H. với đối tượng. Do vậy chưa xảy ra thiệt hại về tài sản.

1000030086-1727942431419193158108-1727946835.jpg

Thậm chí đối tượng gửi cả biên lai giả mạo (Ảnh: Công an tỉnh Quảng Bình).

Theo Công an tỉnh Quảng Bình, qua vụ việc này, có thể thấy hành vi lừa đảo của các đối tượng này là lợi dụng sự tin tưởng của các chủ quán ăn, các cơ sở kinh doanh để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Các đối tượng tiến hành thu thập số điện thoại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn để đặt hàng với số lượng lớn, sau đó viện lý do để cơ sở kinh doanh này đặt kèm thêm một mặt hàng khác giúp các đối tượng.  Từ đó, các đối tượng dẫn dắt cơ sở kinh doanh đến đặt hàng tại các cơ sở kinh doanh mà các đối tượng tạo ra nhằm lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. 

Cụ thể về phương thức thủ đoạn các đối tượng sẽ thực hiện như sau: Đầu tiên sẽ liên hệ và đặt hàng lớn: Đối tượng sẽ liên hệ với các quán ăn, cơ sở kinh doanh và đặt một số lượng lớn suất ăn, thường là từ 100 đến 200 hộp. Đơn hàng này được yêu cầu giao đến các doanh trại bộ đội hoặc những địa điểm đáng tin cậy khác. Bước tiếp theo sẽ yêu cầu mua thêm hàng hóa: Khi đơn hàng gần hoàn thành, đối tượng sẽ yêu cầu chủ quán mua thêm một loại hàng hóa đặc biệt, thường là lon thịt hộp có nhãn mác nước ngoài rất khó tìm trên thị trường.

1000030084-1727942440625229233486-1727946884.jpg

Đối tượng nhắn tin qua zalo với chị H. (Ảnh: Công an Quảng Bình).

Bước thứ ba sẽ cung cấp thông tin liên lạc, theo đó để chủ quán dễ dàng tìm được hàng, đối tượng sẽ cung cấp thông tin của một người bán hàng khác (thực chất là đồng phạm). Chúng yêu cầu chủ quán chuyển tiền cho người bán này để mua hàng theo yêu cầu.

Cuối cùng, chúng sẽ tiến hành khoá máy sau khi nhận tiền: Sau khi chủ quán chuyển tiền, cả đối tượng và người bán đồng phạm đều khóa máy, cắt đứt liên lạc, khiến nạn nhân mất tiền mà không nhận được hàng hóa như đã thỏa thuận.

Công an khuyến cáo người dân

Để không trở thành nạn nhân của các loại tội phạm trên không gian mạng, cơ quan công an khuyến cáo: Người dân cảnh giác với những đơn đặt hàng lớn từ các đối tượng không rõ nguồn gốc; Không chuyển tiền cho bất kỳ ai không rõ lai lịch, đặc biệt là khi được yêu cầu mua thêm các loại hàng hóa ngoài danh sách đặt hàng ban đầu; Liên hệ trực tiếp với các doanh trại hoặc địa điểm nhận hàng để xác nhận đơn hàng trước khi tiến hành.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. 

Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, đặt cọc mua hàng hóa cửa hàng không kinh doanh, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản hoặc nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài… thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo khi chưa kiểm tra thông tin. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Công an tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, khi phát hiện cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan công an địa phương giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ngô Thị Huyền/ Người Đưa Tin