Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bản tin 22/6: Đề xuất thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần

Đề xuất thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần; Thông tin mới nhất vụ tai nạn liên hoàn khiến 11 người nhập viện...

Đề xuất thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần

Theo báo Chính Phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.

Dự thảo Thông tư này quy định chế độ làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, trường dự bị đại học, bao gồm: thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm; định mức tiết dạy; chế độ giảm định mức tiết dạy và quy đổi các hoạt động khác ra tiết dạy.

Dự thảo Thông tư áp dụng đối với giáo viên ở các trường phổ thông công lập gồm: trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên; trường, lớp dành cho người khuyết tật và trường dự bị đại học.

Theo dự thảo, thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần, trong đó:

37 tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm 35 tuần thực dạy và 02 tuần dự phòng (dành cho việc hoàn thiện các nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác);

3 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

2 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó:

28 tuần dành cho việc giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học;

12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học;

2 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

Thời gian nghỉ của giáo viên gồm: Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục; thời gian nghỉ thai sản theo quy định; thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động;

Thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

Định mức tiết dạy đối với giáo viên

Định mức tiết dạy trong 01 năm học được xác định như sau:

Xã hội - Bản tin 22/6: Đề xuất thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần

Trong đó, số tuần dành cho việc giảng dạy là tổng số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục (không bao gồm số tuần dự phòng).

Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh hoặc vì các lí do bất khả kháng khác mà phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học thì số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục thực hiện theo quy định điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.

Định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần: Căn cứ vào thực trạng đội ngũ, kế hoạch của nhà trường và định mức tiết dạy trong 1 năm học, hiệu trưởng phân công nhiệm vụ giáo viên với định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần như sau:

Giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết;

Giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học là 21 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở là 17 tiết, giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông là 15 tiết; Giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.

Bị chó lạ cắn vào tay, người đàn ông tử vong sau 2 tháng

Theo Sức khỏe & Đời sống đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết, vào hôm qua (20/6) một người dân sinh sống trên địa bàn xã Lê Lợi, TP. Chí Linh tử vong do mắc bệnh dại; đồng thời đơn vị đã tiến hành công tác điều tra dịch tễ.

Thông tin ban đầu được biết, vào một buổi sáng khoảng 2 tháng trước, ông Vũ Văn Th. (49 tuổi, trú tại thôn Tân Trường, xã Lê Lợi, Tp.Chí Linh) ra mở cổng phát hiện có một con chó lạ đi vào nhà. Lúc này, con chó của gia đình ông sủa con chó lạ khiến chó lạ giật mình và lao vào cắn lòng bàn tay trái của ông. Mặc dù đã được gia đình và nhân viên y tế thôn đã nhắc, khuyến cáo người bệnh đi tiêm phòng dại nhưng ông Th. chủ quan không đi.

Đến chiều 16/6, ông Th. nhận thấy bản thân có biểu hiện bị tê cánh tay trái và ngày hôm sau cánh tay trái của người bệnh tê nhiều hơn kèm buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn, ông Th. đi khám tại Phòng khám Đa khoa Côn Sơn (Tp.Chí Linh).

Ngày 18/6, ông Th. cùng vợ đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và điều trị theo dõi mắc bệnh dại. Sau đó, người bệnh được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, với chẩn đoán mắc dại và đến ngày 20/6, ông Th. đã không qua khỏi.

Thông tin mới nhất vụ tai nạn liên hoàn khiến 11 người nhập viện

Xã hội - Bản tin 22/6: Đề xuất thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần (Hình 2).

Hiện trường vụ tai nạn.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc Tp.HCM – Trung Lương sáng 21/6 giữa ba xe ô tô, tra cứu thông tin phương tiện cho thấy, xe tải BKS 71C-063.22 sản xuất năm 2017, có niên hạn sử dụng đến hết năm 2042.

Chủ phương tiện là Đặng Thị Cẩm T (có địa chỉ tại Chợ Lách, Bến Tre), xe có đăng ký kinh doanh vận tải, có lắp thiết bị giám sát hành trình, số người cho phép chở tối đa 3 người.

Ô tô tải này được đăng kiểm lần gần nhất ngày 19/10/2023 tại Trung tâm Đăng kiểm 6302D (tỉnh Tiền Giang), có hạn đăng kiểm đến hết ngày 18/10/2024.

Trong khi đó, ô tô 7 chỗ BKS 64H-6244 là ô tô con, nhãn hiệu Toyota, sản xuất năm 2009.

Chủ phương tiện là Hồ Thị Kim A (có địa chỉ tại Vĩnh Long), là xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải. Ô tô được kiểm định lần gần nhất ngày 21/5/2024 tại Trung tâm Đăng kiểm 9501D (tỉnh Hậu Giang), có hạn đăng kiểm đến hết ngày 20/5/2025.

Ô tô thứ ba trong vụ tai nạn là xe khách BKS 63F-006.24, nhãn hiệu Hyundai, sản xuất năm 2023, có niên hạn sử dụng hết năm 2043.

Chủ phương tiện là Lê Chí T (có địa chỉ tại Chợ Gạo, Tiền Giang), xe có đăng ký kinh doanh vận tải, có lắp thiết bị giám sát hành trình, số người cho phép chở tối đa 16 người.

Xe khách được kiểm định lần gần nhất ngày 10/2/2023 tại Trung tâm Đăng kiểm 6301S (tỉnh Tiền Giang), có hạn đăng kiểm đến hết ngày 9/8/2024.

Như vậy, thời điểm xảy ra tai nạn, cả 3 phương tiện đều còn hạn đăng kiểm.

Thông tin ban đầu trên ATGT trước đó, khoảng 4h40 ngày 21/6 tại Km43+700 hướng trái tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương (thuộc xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) xảy ra vụ va chạm liên hoàn giữa 3 xe ô tô gồm: xe tải BKS 71C-063.22 do ông Đỗ Hoàng Doãn (SN 1977, Bến Tre) cầm lái; xe ô tô con BKS 64H-6244 do anh Phan Hoàng Vũ (SN 1987, Vĩnh Long) điều khiển và ô tô khách BKS 63F-006.24 do anh Võ Thanh Cư (SN 1989, Tiền Giang) cầm lái.

Vụ va chạm liên hoàn khiến 11 người bị thương được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An điều trị. Đồng thời còn khiến giao thông trên cao tốc bị ùn tắc kéo dài.

Theo tìm hiểu của PV, hiện sức khỏe các nạn nhân đều ổn định và đang được tiếp tục điều trị tại bệnh viện.

Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

 

Trúc Chi (t/h)/Người đưa tin