Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bangladesh trong tình huống chưa từng có khi Thủ tướng vội rời đất nước

Việc bà Sheikh Hasina từ chức Thủ tướng Bangladesh và rời khỏi đất nước đã để lại một khoảng trống lớn. Những ngày sắp tới rất quan trọng đối với quốc gia Nam Á này.

Chuyến hành trình vội vã trên một chiếc máy bay quân sự đã kết thúc 15 năm cầm quyền của nữ chính trị gia Sheikh Hasina trên cương vị Thủ tướng Bangladesh, một quốc gia Nam Á có 170 triệu dân.

Bà Hasina, 76 tuổi, đã từ chức hôm 5/8, dưới sức ép từ làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tuần qua, với cao trào là hàng ngàn người biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm của quân đội đã xông vào dinh thự chính thức của bà ở thủ đô Dhaka.

Bangladesh trong tình huống chưa từng có khi Thủ tướng vội rời đất nước- Ảnh 1.

Bà Sheikh Hasina từ chức Thủ tướng Bangladesh dưới sức ép từ làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tuần. Ảnh: Hindustan Times

Cùng ngày, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh Waker-Uz-Zaman xác nhận trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng bà Hasina đã rời khỏi đất nước và một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập.

Tình huống chưa từng có

Từng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Bangladesh gần đây đã phải chịu ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát và thất nghiệp.

Trong vài ngày qua, những lời kêu gọi bà Hasina từ chức ngày càng lớn hơn khi hàng trăm nghìn người tràn xuống đường phố Dhaka.

Các cuộc biểu tình do sinh viên khởi xướng vào tháng trước vì thất vọng với tình trạng thiếu việc làm tốt đã nhanh chóng phát triển thành một phong trào toàn quốc và biến thành bạo lực khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương.

Bất chấp lệnh giới nghiêm, việc mất mạng Internet hay hơi cay từ cảnh sát, những người biểu tình vẫn tuyên bố họ sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được mục đích. Hôm 5/8, quân đội Bangladesh được cho là chỉ cho bà Hasina 45 phút để từ chức.

Bà Hasina dường như đã chấp nhận và rời khỏi Dhaka trên một chiếc trực thăng quân sự. Truyền thông ở nước láng giềng Ấn Độ đưa tin, máy bay của bà Hasina đã hạ cánh tại một căn cứ không quân gần New Delhi.

Một nguồn tin cấp cao cho biết, bà muốn quá cảnh đến London, nhưng điều này có thể trở nên khó khăn trong bối cảnh chính phủ Anh đang kêu gọi mở một cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc đứng đầu về "mức độ bạo lực chưa từng có".

Bangladesh trong tình huống chưa từng có khi Thủ tướng vội rời đất nước- Ảnh 2.

Làn sóng biểu tình sinh viên nhanh chóng biến thành phong trào đòi bà Sheikh Hasina từ chức Thủ tướng Bangladesh. Ảnh: Le Monde

Phát biểu trong một chương trình phát sóng trên truyền hình nhà nước hôm 5/8, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-Uz-Zaman, cho biết các cuộc biểu tình nên chấm dứt và tuyên bố rằng "mọi bất công sẽ được giải quyết".

Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin sau đó đã ra lệnh thả những người biểu tình bị giam giữ, cũng như thả cựu Thủ tướng và là lãnh đạo phe đối lập chủ chốt, bà Khaleda Zia, 78 tuổi.

Cuối ngày, Tổng thống và Tổng tư lệnh đã họp cùng với lãnh đạo của các đảng phái chính trị lớn – ngoại trừ Đảng Liên đoàn Awami cầm quyền lâu năm của bà Hasina. Thư ký báo chí của Tổng thống Bangladesh cho biết, họ đã "quyết định thành lập một chính phủ lâm thời ngay lập tức".

Vào ngày 6/8, quân đội Bangladesh dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, các doanh nghiệp và trường học mở cửa trở lại.

Ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington DC, cho rằng việc bà Hasina rời đi "sẽ để lại một khoảng trống lớn" và Bangladesh đang trong "tình huống chưa từng có". Ông nói: "Những ngày sắp tới rất quan trọng".

"Bà đầm thép" của Bangladesh

Được mệnh danh "bà đầm thép", bà Sheikh Hasina trở thành Thủ tướng Bangladesh lần đầu tiên sau khi Đảng Liên đoàn Awami của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1996 và tại nhiệm tới năm 2001.

Lần thứ hai bà Hasina trở lại nắm quyền là vào năm 2009. Bà tái đắc cử các nhiệm kỳ liên tiếp sau đó, và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5 trên cương vị Thủ tướng Bangladesh sau cuộc bầu cử vào tháng 1 năm nay trong bối cảnh tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp và làn sóng tẩy chay cuộc tổng tuyển cử.

Bà Hasina, con gái của nhà lập quốc Sheikh Mujibur Rahma, trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong lịch sử Bangladesh, vượt qua những "bà đầm thép" khác thế giới như Margaret Thatcher (Anh) và Indira Gandhi (Ấn Độ) về số lần chiến thắng trong các cuộc bầu cử, và là nữ Thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới.

Ban đầu, sự lãnh đạo của bà Hasina được đánh dấu bằng sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của quốc gia Nam Á, chủ yếu là nhờ lực lượng lao động nhà máy với phần đa là nữ giới thúc đẩy ngành xuất khẩu hàng may mặc của đất nước.

Bangladesh, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới khi giành được độc lập vào năm 1971, đã tăng trưởng trung bình hơn 6% mỗi năm kể từ năm 2009. Nghèo đói đã giảm mạnh và hơn 95% trong số 170 triệu người dân hiện đã có điện, với thu nhập bình quân đầu người vượt qua Ấn Độ vào năm 2021.

Ngành may mặc mang lại hơn 55 tỷ USD mỗi năm, đưa Bangladesh trở thành nước xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, những "cơn gió ngược" kinh tế đã khiến nhiều người không hài lòng với chính phủ do bà Hasina dẫn dắt, sau khi chi phí thực phẩm tăng đột biến và nhiều tháng mất điện kinh niên vào năm 2022.

Hồi tháng 6, chính phủ đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm của Bangladesh và cam kết kiềm chế chi tiêu khi đất nước đang phải vật lộn với nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao, tỉ giá hối đoái không ổn định và dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt nhanh chóng.

Bản thân bà Hasina bị cáo buộc trở thành một nhà lãnh đạo cứng rắn, và chính phủ do bà lãnh đạo cũng bị cáo buộc vi phạm nhiều quyền cũng như lạm dụng các thể chế nhà nước để củng cố thế lực.

 

 

Minh Đức (Theo ABC Net News, France24)