Cái chết lặng lẽ trong căn nhà quen thuộc
Vụ việc xảy ra vào tối 5/7 tại thành phố Nikko. Hôm ấy, người thân của cụ bà, vốn sống một mình, không thể liên lạc được như thường lệ. Linh cảm có chuyện chẳng lành giữa thời tiết oi ả, họ lập tức đến nhà để kiểm tra. Cánh cửa mở ra, thứ đập vào mắt họ không chỉ là căn phòng nóng đến ngột ngạt, mà còn là hình ảnh cụ nằm bất động trên sàn nhà.
Dù cụ được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng mọi nỗ lực đều không thể níu giữ sự sống. Cảnh sát cho biết khi đến hiện trường, họ phát hiện lò sưởi trong phòng vẫn đang hoạt động, trong khi nhiệt độ ngoài trời lúc đó lên rất cao. Theo nhận định ban đầu, cụ bà có thể đã vô tình bật nhầm lò sưởi thay vì điều hòa, thiết bị mà cụ vẫn thường dùng trong những ngày hè oi bức.

Đáng buồn thay, đây là ca tử vong đầu tiên do say nắng được ghi nhận tại tỉnh Tochigi trong năm nay. Nhưng xét trên toàn Nhật Bản, tình trạng say nắng đã trở nên báo động.
Theo Cơ quan Quản lý Cháy nổ và Thảm họa Nhật Bản, chỉ trong vòng một tuần từ 23 đến 29/6, cả nước đã ghi nhận ít nhất 4.665 người phải nhập viện vì say nắng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, 7 người đã tử vong. Đặc biệt, người cao tuổi chiếm hơn một nửa tổng số ca nhập viện, với 2.740 trường hợp trên 65 tuổi.
Và nếu tính từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6, đã có tới 18.133 người bị say nắng trên toàn quốc, con số gần như gấp đôi năm 2024.
Lý do chính được đưa ra là ảnh hưởng của khối khí áp cao vẫn tồn tại trong khu vực, khiến nhiệt độ trung bình tháng 6 năm nay tăng hơn 2,3 độ C so với mức bình thường. Nhiệt độ nước biển gần bờ cũng tăng lên mức kỷ lục. Sự thay đổi thời tiết đột ngột và gay gắt này khiến nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, khó thích nghi và dễ gặp nguy hiểm.
Cảnh tỉnh cho những người đang sống một mình
Câu chuyện đau lòng của cụ bà 88 tuổi không chỉ là một tai nạn đáng tiếc, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với hàng ngàn gia đình có người lớn tuổi sống một mình. Trong thế giới hiện đại, nơi mà công nghệ ngày càng phức tạp, việc sử dụng thiết bị điện tử, dù là điều hòa hay lò sưởi, đôi khi trở thành thách thức với người già.
Một nút bấm sai, một ký hiệu khó hiểu, hay đơn giản là quên mất cách sử dụng… đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, việc trang bị những thiết bị thân thiện hơn với người già, đơn giản hóa thao tác sử dụng, hoặc lắp thêm cảm biến nhiệt độ, báo động là điều vô cùng cần thiết. Đồng thời, sự quan tâm, để ý hàng ngày từ người thân, dù chỉ là một cuộc gọi kiểm tra, đôi khi cũng có thể cứu được một mạng người.
Các cơ quan chức năng Nhật Bản cũng khuyến cáo, khi mùa mưa đã kết thúc và thời tiết nắng nóng dự kiến còn kéo dài trong tháng 7, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh say nắng. Những hành động tưởng chừng đơn giản như uống nước đều đặn, bổ sung muối, nghỉ ngơi hợp lý, hay kiểm tra kỹ thiết bị điều hòa cũng có thể trở thành “lá chắn” bảo vệ sự sống trong mùa hè khắc nghiệt.