Đèn xi nhan sử dụng trong trường hợp nào?
Theo đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện quy định một số trường hợp bắt buộc người điều khiển phải bật đèn tín hiệu (xi-nhan) bao gồm:
Khi xe muốn vượt
Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22h đến 5h chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Chuyển hướng xe
Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Trong khi chuyển hướng, phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Khi lùi xe
Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.
Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, đường cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.
Dừng xe, đỗ xe trên đường
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết và Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.
Những tình huống phải bật xi-nhan khác
Ngoài những tình huống bắt buộc người điều khiển phương tiện giao thông phải bật xi-nhan được quy định cụ thể trong luật thì người điều khiển thuộc các trường hợp sau đây nên bật đèn xi-nhan như:
- Đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải”, khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi-nhan phải.
- Đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ.
- Lùi vào ngõ: Nên bật tín hiệu vì tầm quan sát của người lái xe hạn chế, khó điều chỉnh hướng xe và để tạo thuận lợi cho những phương tiện khác di chuyển.
- Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường. Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi-nhan.
Hiện nay, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ được quy định tại Nghị định 100 do Chính phủ ban hành năm 2019. Nghị định không quy định lỗi nào liên quan tới bật hay không bật xi nhan mà chỉ quy định chung chung lỗi không có tín hiệu báo trước. Như vậy, hiện nay bật xi nhan mà không rẽ không bị phạt.
Xi nhan nhầm hướng có bị phạt?
Xi nhan nhầm hướng là trường hợp người lái xe rẽ trái nhưng xi nhan phải, rẽ phải nhưng xi nhan trái; chuyển làn về bên trái nhưng xi nhan bên phải, chuyển làn về bên phải nhưng xi nhan bên trái.
Nghị định 100 không quy định trường hợp “nhầm” tín hiệu báo trước. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ quy định: "Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ."
Việc xi nhan trái nhưng rẽ phải hay ngược lại không có tác dụng báo hiệu hướng rẽ cho những phương tiện đi sau. Vì thế, hành vi xi nhan nhầm hướng vẫn có thể bị xử phạt như đối với trường hợp chuyển hướng mà không có tín hiệu báo trước.
Bật nhầm xi nhan hoặc bật xi nhan nhưng không rẽ là lỗi không hiếm gặp của người tham gia giao thông, mặc dù hầu hết đều là lỗi vô ý. Nhưng thực tế, điều này có thể gây ra những nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông khác, đặc biệt là tại những thành phố lớn, nơi có số lượng phương tiện giao thông tham gia rất đông đúc. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho mình và người khác, lái xe cần chú ý hơn đến việc bật đèn xi nhan khi tham gia giao thông.