Theo chia sẻ của nhân vật chính – một nữ nhân viên làm việc tại văn phòng ở Trung Quốc, cô bất ngờ nhận được thông báo từ phòng nhân sự rằng: "Từ ngày mai, cô không cần đến công ty nữa." Lý do được đưa ra là vì một đồng nghiệp phàn nàn về mùi cơ thể của cô quá nồng, ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung.
Điều khiến cô khó chấp nhận là trong suốt thời gian làm việc, cô chưa từng mắc lỗi, hoàn thành tốt công việc, và thậm chí còn chủ động sử dụng các sản phẩm khử mùi để cải thiện tình trạng cá nhân. "Tôi không nghĩ mùi của mình gây ảnh hưởng lớn đến mức phải bị đuổi việc," cô viết trên mạng xã hội với tâm trạng buồn bã và bức xúc.
Dư luận sôi sục, luật sư lên tiếng
Câu chuyện của cô gái nhanh chóng thu hút sự chú ý, tạo nên làn sóng tranh luận gay gắt trên các diễn đàn Trung Quốc. Nhiều người tỏ ra đồng cảm, khuyên cô nên kiện công ty vì hành vi phân biệt đối xử.
Trước làn sóng quan tâm từ công chúng, một thời gian sau, cô gái cập nhật rằng cô và công ty cũ đã đạt được thỏa thuận sau thương lượng: phía công ty đồng ý bồi thường nửa tháng lương cùng một tháng tiền bảo hiểm xã hội.

Theo luật sư Ngô Hành Kiện từ một hãng luật ở Hồ Bắc, việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động chỉ vì mùi cơ thể là không hợp pháp. Ông cho biết: “Mùi cơ thể là đặc điểm sinh lý cá nhân, không phải là bệnh lý, càng không ảnh hưởng đến năng lực lao động.” Việc lấy lý do này để sa thải nhân viên là vi phạm quyền lợi lao động và có thể được xem là một hình thức phân biệt đối xử.
Theo quy định pháp luật, người lao động bị sa thải không chính đáng có quyền được bồi thường ít nhất hai tháng tiền lương. Tuy nhiên, vì hai bên đã tự nguyện thương lượng và đạt thỏa thuận, trường hợp này vẫn được coi là hợp pháp.
Theo CCTV, mùi cơ thể xuất phát từ tuyến mồ hôi dưới cánh tay – loại tuyến khác với tuyến mồ hôi thông thường. Tình trạng này thường mang tính di truyền: nếu một trong hai cha mẹ có mùi cơ thể, con cái có tới 50% khả năng mắc phải; nếu cả hai đều mắc, khả năng di truyền tăng lên đến 75%.
Dù đây là vấn đề tế nhị, khó nói nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát hoặc điều trị bằng nhiều phương pháp hiện đại. Cô gái trong câu chuyện cho biết, sau sự việc này, cô đã quyết định sẽ phẫu thuật để chấm dứt tình trạng mùi cơ thể, tránh những rắc rối tương tự trong tương lai.
Câu chuyện khiến nhiều người đặt câu hỏi: ranh giới giữa "bảo vệ môi trường làm việc" và "phân biệt đối xử" nằm ở đâu? Trong khi mùi cơ thể là vấn đề sinh lý không thể kiểm soát hoàn toàn, thì việc sa thải người lao động vì lý do này liệu có quá khắt khe?
Vấn đề không chỉ là mùi hương, mà còn là mùi của sự thiếu cảm thông nơi công sở.