Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bị sa thải vì ngủ 3 phút trong giờ làm, nam quản lý khiến công ty nhận trái đắng trước tòa

Bị sa thải vì nghỉ 3 phút trong giờ làm, nam quản lý đưa công ty ra tòa và bất ngờ giành chiến thắng, nhận bồi thường gần 180 triệu đồng.

Theo tờ Sohu, ông Du – một người đàn ông trung niên – bắt đầu công việc quản lý cửa hàng tại một trung tâm thương mại ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ tháng 3/2021. Trong suốt thời gian làm việc, ông Du không có bất kỳ vi phạm nội quy nào và được đánh giá là làm việc nghiêm túc.

Tuy nhiên, đến ngày 26/9/2024, ông bất ngờ nhận được thông báo từ công ty qua ứng dụng WeChat: mã nhân sự của ông bị vô hiệu hóa ngay lập tức và hợp đồng lao động bị chấm dứt. Lý do mà công ty đưa ra là ông đã ngủ gật trong giờ làm việc, bị nhân viên trung tâm thương mại ghi nhận và khiếu nại.

Ngoài ra, công ty còn cáo buộc ông Du từng tự ý đóng cửa hàng vào ngày trong tuần mà không báo cáo, vi phạm quy định chung và khiến công ty bị xử phạt.

Không chấp nhận việc bị sa thải, ông Du đưa vụ việc ra tòa án địa phương. Ông cho biết hôm đó đã làm việc từ 9h30 sáng đến 22h30 tối, một mình đảm nhiệm mọi công việc tại cửa hàng. Sau hơn 13 giờ làm việc không nghỉ, ông chỉ ngồi xuống ghế, nhắm mắt nghỉ khoảng 3 phút để hồi sức, nhưng không hề ngủ.

toa-1752736429.png
Ảnh minh họa

Nam quản lý cũng khẳng định mình không bỏ bê công việc, vẫn tiếp khách khi cần, và công ty không có bằng chứng nào chứng minh ông làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Về cáo buộc đóng cửa hàng trong tuần, ông Du giải thích rằng mình chỉ tạm đóng quầy khoảng 1 giờ để đi ăn trưa vì không có người thay ca – một tình huống bất khả kháng.

Sau quá trình xét xử, tòa án nhận định việc ông Du nhắm mắt nghỉ ngơi trong vài phút sau nhiều giờ làm việc là một phản ứng sinh lý tự nhiên, không cấu thành hành vi vi phạm nội quy nghiêm trọng.

Đoạn video dài 2 giây mà công ty cung cấp chỉ cho thấy ông Du dựa vào bàn và nhắm mắt – không đủ cơ sở để kết luận ông đang ngủ hay lơ là công việc. Trong khi đó, việc ông tạm rời quầy ăn trưa cũng là hợp lý do không có nhân viên hỗ trợ.

Cuối cùng, tòa kết luận hành vi của ông Du không gây thiệt hại cho doanh nghiệp, việc sa thải là không có căn cứ pháp lý và vi phạm quyền lao động. Tòa yêu cầu công ty phải bồi thường 50.000 NDT (khoảng 180 triệu đồng) cho ông Du.

Thẩm phán nhấn mạnh, quyền nghỉ ngơi là quyền cơ bản của người lao động, đặc biệt với những người làm việc cường độ cao. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi này để tạo môi trường làm việc nhân văn và bền vững.

Vụ việc là hồi chuông cảnh báo đối với các công ty trong việc quản trị nhân sự: không nên áp dụng kỷ luật cứng nhắc, thiếu căn cứ, dễ dẫn đến hậu quả pháp lý không đáng có.

Xuân Vũ (T/h)