Theo văn bản mới ban hành của Bộ GD&ĐT, trẻ 5 tuổi là trẻ em trong độ tuổi từ 60 tháng đến 71 tháng 29 ngày.
Bộ chuẩn là tập hợp những chuẩn, chỉ số thuộc các lĩnh vực, định hướng về sự phát triển toàn diện của trẻ em 5 tuổi. Chuẩn là những mong đợi trẻ em 5 tuổi biết và có thể làm được sau quá trình giáo dục.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam là 1 trong số ít quốc gia ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em (PTTE) 5 tuổi. Trong những năm qua, việc sử dụng Bộ chuẩn có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục của giáo dục mầm non. Đây là căn cứ để xây dựng chương trình, khung giáo dục mầm non quốc gia, cũng như phát triển chương trình giáo dục nhà trường; căn cứ đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường, cũng như đánh giá chất lượng giáo dục; từ đó tạo nền tảng cho trẻ nhỏ phát triển trong tương lai.
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi Bộ GD&ĐT vừa ban hành gồm 22 chuẩn, 70 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: Thể chất, tình cảm và xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức, thẩm mĩ, tiếp cận với việc học.
Theo đó, những năng lực cơ bản trong lĩnh vực thể chất được phản ánh thông qua sức khỏe thể chất; thực hiện các kỹ năng vận động; hiểu biết, thực hành dinh dưỡng, vệ sinh và an toàn.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực tình cảm - xã hội được phản ánh thông qua nhận thức bản thân và năng lực quan hệ xã hội.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực ngôn ngữ và giao tiếp được phản ánh thông qua nghe hiểu và biểu đạt thông tin phù hợp trong giao tiếp và sẵn sàng cho việc học đọc, học viết.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực nhận thức được phản ánh thông qua hiểu biết và kỹ năng tư duy; vận dụng kiến thức, kỹ năng sơ đẳng để giải quyết một số vấn đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực thẩm mĩ được phản ánh thông qua cảm thụ cái đẹp và sử dụng nghệ thuật như là phương tiện để thể hiện cảm xúc, hiểu biết và sự sáng tạo của bản thân. Các chuẩn, chỉ số trong lĩnh vực này đề cao cảm xúc, ý tưởng của bản thân trẻ em trong các hoạt động nghệ thuật và ứng dụng sáng tạo nghệ thuật vào cuộc sống.
Năng lực cơ bản trong lĩnh vực tiếp cận với việc học được phản ánh thông qua một số yếu tố cần thiết hướng đến hình thành các năng lực học tập bền vững sau này như tự chủ với việc học, giải quyết vấn đề đơn giản trong cuộc sống.