Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là tình trạng cấp tính, xảy ra bất ngờ và có thể cướp đi mạng sống của người bệnh nếu không được xử trí kịp thời. Thống kê tại Việt Nam cho thấy mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ mới, với hơn 80.000 trường hợp tử vong.
Nhiều bệnh nhân dù được cứu sống vẫn phải mang di chứng nặng nề, mất khả năng lao động hoặc sống phụ thuộc vào người khác. Đáng lo ngại, chi phí điều trị đột quỵ khá tốn kém, trong khi tỷ lệ tái phát lại cao.
Thông tin trên Dân trí, đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn. Trong khoảng 80% trường hợp, điều này xảy ra do cục máu đông hoặc mạch máu bị tắc. Ảnh hưởng của đột quỵ sẽ phụ thuộc vào thời gian gián đoạn máu cung cấp lên não.
Một cơn đột quỵ nhẹ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA-Transient Ischemic Attack) xảy ra khi mạch máu chỉ bị tắc nghẽn tạm thời. Các triệu chứng có thể biến mất trong vòng vài phút khi nguồn cung cấp máu trở lại và có thể không có nhiều tổn thương vĩnh viễn đối với các tế bào não.

TIA có thể là dấu hiệu cho thấy một cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn sắp xảy ra. Khoảng 4 trong 10 người bị TIA sẽ bị đột quỵ.
Một cơn đột quỵ nặng có thể gây ra các triệu chứng rất nghiêm trọng, bao gồm cả những vấn đề lâu dài do tổn thương tế bào não. Đột quỵ thậm chí có thể gây tử vong nếu bạn không được cấp cứu kịp thời.
Chia sẻ với The Conversation, Siobhan Mclernon, giảng viên cao cấp về điều dưỡng người lớn tại Đại học South Bank London, cho biết trong khi nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi tác, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào - và các trường hợp ở người lớn từ 55 tuổi trở xuống đang gia tăng. Thậm chí đáng báo động hơn, một khi bạn đã bị đột quỵ, nguy cơ bị đột quỵ lần nữa sẽ tăng đột biến.
Theo Mclernon, việc áp dụng những thay đổi đơn giản về lối sống có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ, tối ưu hóa sức khỏe tim mạch và não bộ.
Dấu hiệu nhận biết
Chia sẻ với Znews, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Hướng, Trưởng đơn vị Nội thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đột quỵ gồm hai dạng: Tắc mạch máu não (nhồi máu não) và vỡ mạch máu não (xuất huyết não). Với nhồi máu não, mạch máu nuôi dưỡng não bị tắc nghẽn, làm giảm cung cấp oxy và dưỡng chất, dẫn đến tổn thương não. Trong khi đó, xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não vỡ, máu tràn vào mô não và gây tổn thương nghiêm trọng.
Điều đáng mừng là nhồi máu não hiện có phương pháp điều trị đặc hiệu, nếu được phát hiện và xử trí trong "thời gian vàng". Cụ thể, nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trước 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bác sĩ có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết giúp phục hồi gần như hoàn toàn. Thời gian cấp cứu càng sớm, tỷ lệ tử vong và tàn phế càng giảm, khả năng hồi phục càng cao.

"Thực tế, 50% bệnh nhân đột quỵ phải sống phụ thuộc người khác, 75% không thể trở lại cuộc sống bình thường như trước. Đáng báo động, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng khoảng 2% mỗi năm, nam giới bị đột quỵ cao gấp 4 lần nữ giới", PGS.TS.BS Nguyễn Văn Hướng cảnh báo.
Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, người dân cần ghi nhớ quy tắc FAST gồm 4 dấu hiệu cảnh báo:
- F (Face): Mặt méo xệch, miệng lệch, ăn uống rơi vãi một bên.
- A (Arm): Tay yếu, đột ngột không còn sức, không thể nâng lên.
- S (Speech): Lời nói bất thường, nói khó, méo tiếng, ú ớ.
- T (Time): Thời gian rất quan trọng, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu trên.
Ngoài ra, các triệu chứng như đột ngột nhìn mờ một hoặc hai mắt, mất trí nhớ, lú lẫn, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội… cũng là dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ não mà mọi người cần rất cảnh giác. Đặc biệt, ở người trẻ, đột quỵ thường liên quan đến bất thường mạch máu não, dễ xảy ra khi gắng sức mạnh. Do đó, nếu thấy đau đầu bất thường hoặc có tiền sử gia đình bị vỡ mạch máu não, cần chủ động tầm soát.

TS.BS Sabrina Stefanizzi, khoa Nội thần kinh, điều phối Trung tâm Dự phòng bệnh lý Tim Mạch tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết Việt Nam có tỷ lệ đột quỵ cao và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ có thể thay đổi được. Trong đó, phòng ngừa ban đầu là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa đột quỵ, thông tin trên báo VnExpress.
Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh: kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, tiểu đường; hạn chế rượu bia, thuốc lá; ăn uống điều độ, ít muối, ít chất béo; ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và tập thể dục thường xuyên, và đặc biệt nên khám sức khỏe tổng quát và tầm soát đột quỵ.