Trung tâm Tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng dự kiến được thành lập, vận hành trong 2025.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT) ngày 18/2 gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ KH-ĐT đề xuất là chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).
Theo đó, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với sandbox trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa. Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.
Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm có kiểm soát, cơ quan hướng dẫn, kiểm soát và người hướng dẫn, kiểm soát được miễn trách nhiệm hành chính, miễn trách nhiệm kỷ luật, được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện sandbox do nguyên nhân khách quan.
Tổ chức kinh tế khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực fintech hoạt động tại trung tâm tài chính được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng đối với tổ chức hoạt động tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia hoặc các ưu đãi cao hơn đối với hoạt động đổi mới sáng tạo theo quy định của Chính phủ.
Được hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn ngân sách địa phương chi phí phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực fintech gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026.
Bộ KH-ĐT đánh giá, việc triển khai chính sách sandbox sẽ tạo ra môi trường phát triển an toàn cho fintech tại Việt Nam, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, giúp xây dựng một trung tâm tài chính hiện đại, cạnh tranh, bền vững.
Góp ý vào hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay chưa có quy định về tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Trong khi đó, việc quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa sẽ theo quy trình từ phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin, việc sử dụng trong các giao dịch dân sự, vấn đề quản lý để đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Lo ngại ảnh hưởng tới an ninh tài chính, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan quản lý cần lấy thêm ý kiến Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý tiền tệ, bởi tài sản số, tiền số có thể được dùng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch tài chính.
Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa quy định theo hướng giao Chính phủ quy định việc triển khai thí điểm liên quan tới tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Đồng thời, Bộ KH-ĐT phải tổng hợp ý kiến Ngân hàng Nhà nước, vì theo chính sách này, tài sản mã hóa, tiền mã hóa được sử dụng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch tài chính.
Nhấn mạnh triển khai chính sách về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính có nhiều nội dung cần nghiên cứu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, có ảnh hưởng tác động đến đảm bảo an ninh tài chính, để đảm bảo khả thi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026.
Việt Nam hiện chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.