Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia

Rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, hành vi của con người, đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Do đó, cần thiết tăng thuế đối với mặt hàng này.

TNGT nghiêm trọng liên quan nồng độ cồn giảm đáng kể

Ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 7. Trong đó 92,18% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có nhiều ý kiến nhất trí với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần có ngưỡng tối thiểu, một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định trên không phải là nội dung mới mà được kế thừa quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia- Ảnh 1.

Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Tp. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024 có đến 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Theo ông Tới, trong dự thảo luật này, nếu không tiếp tục quy định thì sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ... đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân thời gian qua.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hay đồ uống có cồn khác.

Thông tin với Người Đưa Tin về tình hình xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến rượu, bia thời gian gần đây, theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Tp. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 2,1 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 4.052 tỷ đồng, tước 407.703 giấy phép lái xe và tạm giữ 715.459 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm tăng 26,74%, tiền phạt tăng 24,61%.

Đáng chú ý, trong số các vi phạm, có đến 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 19,85% tổng số vi phạm. Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến nồng độ cồn vượt mức cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ, với số vụ giảm 28,32%, số người chết giảm 60,83% và số người bị thương giảm 0,54%.

Đây là kết quả rõ nét của việc xử lý quyết liệt các vi phạm liên quan đến người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện. Số người chết do TNGT có nguyên nhân do rượu bia giảm sâu, giảm rõ rệt; số vụ, số người bị thương cũng giảm nhiều so với cùng kỳ 2023.

“Đã uống rượu bia không lái xe”

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Tp.Hà Nội, rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Do đó, các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia.

Vì vậy, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này. Bởi, việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.

Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).

Người dân lưu ý, Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”.

Cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với rượu bia- Ảnh 2.

Người dân nên hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), liên quan đến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình lên 100%, trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đồng thời là thành viên ban soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nêu quan điểm cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia.

“Đây là nằm trong chính sách về mặt an sinh xã hội, cân bằng lợi ích giữa lấy sức khỏe làm trọng. Bởi, chỉ vì chút lãi trước mắt của rượu, bia mà người dân uống tràn lan, sức khỏe bị ảnh hưởng, tâm thần, tai nạn, bạo lực gia đình… gây bất bình đẳng giới, người khổ lại là phụ nữ, trẻ em”, ông Quang phân tích và cho rằng chính nhóm yếu thế là nhóm chịu thiệt thòi. Do đó, cần phải tăng thuế đối với mặt hàng này.

5 người nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu

Ngày 24/7, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 4 bệnh nhân ở Thường Tín nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao. Bên cạnh tổn thương mắt, các bệnh nhân cũng có nguy cơ tổn thương não.

Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới tại Thường Tín khiến 4 người ngộ độc cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%.

Trường hợp nam bệnh nhân (49 tuổi) còn lại ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Loại rượu bệnh nhân này uống nghi ngờ cùng 1 nguồn với 4 bệnh nhân nêu trên. Bệnh nhân này đã uống rượu liên tiếp trong 3 ngày.

Bệnh nhân đến viện trong tình trạng hôn mê, hiện tại đang phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, lượng cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao.

Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc, đề nghị dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Người Đưa Tin