Châu Á tổn thương vì biến đổi khí hậu
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), châu Á vẫn là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và các mối nguy hiểm liên quan đến nước trong năm 2023. Lũ lụt và bão đã gây ra số thương vong cùng thiệt hại kinh tế cao chưa từng thấy, tác động của các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.
Báo cáo Hiện trạng Khí hậu ở Châu Á 2023 nhấn mạnh tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu quan trọng như nhiệt độ bề mặt, sự sụt giảm của sông băng và mực nước biển dâng, sẽ có tác động lớn đến xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực.
Vào năm 2023, nhiệt độ mặt nước biển ở tây bắc Thái Bình Dương đạt kỷ lục cao nhất. Ngay cả Bắc Băng Dương cũng phải hứng chịu một đợt nắng nóng trên biển.
Châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Xu hướng nóng lên đã tăng gần gấp đôi kể từ giai đoạn 1961-1990.
"Kết luận của báo cáo thật đáng kinh ngạc. Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023, cùng với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão. Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện như vậy, tác động đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống", Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết.
Vào năm 2023, tổng cộng 79 thảm họa liên quan đến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đã được báo cáo ở châu Á. Trong số này, hơn 80% liên quan đến lũ lụt và bão, với hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp. Mặc dù nguy cơ sức khỏe liên quan đến nắng nóng ngày càng tăng nhưng các trường hợp tử vong này thường không được báo cáo.
Đông Nam Á nắng nóng chưa biết điểm dừng
Tại Đông Nam Á, nắng nóng gay gắt đã quay trở lại và không sớm biến mất. Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera nói với CNN rằng Đông Nam Á (nơi sinh sống của hơn 675 triệu người trên 11 quốc gia) đã chứng kiến mức nhiệt cao chưa từng thấy.
Herrera cho biết Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiệt độ khắp cả nước đã “phá kỷ lục không ngừng nghỉ” trong 13 tháng – và mức độ nóng ẩm không ngừng tăng lên. "Chúng tôi nghĩ rằng mức nhiệt năm ngoái đã là không thể chịu nổi nhưng năm nay còn vượt xa. Nhiệt độ ở Bangkok sẽ không xuống dưới 30 độ C, ngay cả vào ban đêm trong những ngày còn lại của tháng 4".
Tại Việt Nam, đợt nắng nóng đã gây hạn hán nặng ở miền Nam, với mức nhiệt lên đến gần 40 độ C, tàn phá ngành nông nghiệp nước ta. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và lượng mưa thấp gây khó khăn cho nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Những đợt nắng nóng kỷ lục năm 2023 gây mất điện nghiêm trọng ở một số thành phố. Năm nay, các nhà khí tượng học Việt Nam cho rằng đợt khô hạn kéo dài bất thường là do El Niño, một kiểu khí hậu tự nhiên bắt nguồn từ Thái Bình Dương dọc theo đường xích đạo và ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn thế giới.
Nhưng bên cạnh những biến đổi tự nhiên này, thế giới vẫn tiếp tục phá kỷ lục về khí hậu và những đợt nắng nóng cực đoan trở thành bình thường.
Mặc dù nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á tăng lên mỗi thập kỷ kể từ năm 1960, các chuyên gia cho biết một trong những đặc điểm đáng lo ngại nhất của tình hình thời tiết hiện nay là thời gian kéo dài và chưa biết điểm dừng
Các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu khí hậu Thụy Sĩ IQ Air cho rằng đợt nắng nóng hiện nay là do “sự kết hợp của các yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và sự kiện El Niño”. Hiện tượng này đã dẫn đến nhiệt độ cao chưa từng thấy trên toàn khu vực. Hiện tại chưa dự đoán được ngày kết thúc chính xác vì việc giảm nhiệt sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mô hình thời tiết và những nỗ lực giảm thiểu (của chính phủ).
Bảo Linh (Theo Miragenews/CNN)