Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cậu bé 12 tuổi vĩnh viễn mất đi ánh sáng chỉ vì thứ đồ ăn quen thuộc

Một cậu bé 12 tuổi ở Massachusetts đã vĩnh viễn mất đi thị giác của mình do chế độ thiếu dinh dưỡng từ những đồ ăn vặt, món ăn nhanh quen thuộc với trẻ em.

Trang Oddity Central đưa tin ngày 11/11, Tạp chí New England Journal of Medicine gần đây đã ghi nhận trường hợp của một cậu bé 12 tuổi bị mù. Lý do chủ yếu là chế độ ăn gồm các món ăn nhanh, ăn vặt như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, bánh donut và nước ép đóng hộp.

Cậu bé được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và bị “nghiện” một số món ăn vặt. Dù đã cố gắng dỗ dành và bổ sung thêm những thực phẩm dinh dưỡng, cha mẹ cậu bé vẫn không thể thay đổi thói quen ăn uống của con trai.

Vào đầu năm nay, cậu bé bắt đầu gặp phải vấn đề về mắt vào buổi sáng và tối, dù vẫn bình thường trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, thị lực của cậu bắt đầu suy giảm nhanh chóng, và chỉ trong vòng sáu tuần, cậu bé không thể tự di chuyển nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ.

Rồi một đêm, cậu bé tỉnh dậy và hoảng loạn, la hét vì không thể nhìn thấy gì nữa.

child-eyes-1731381319.webp
Một cậu bé 12 tuổi ở Massachusetts đã vĩnh viễn mất đi thị giác của mình do chế độ thiếu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

Trường hợp này là một lời cảnh tỉnh về hậu quả nghiêm trọng của việc duy trì chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng, phần nhiều là các món ăn vặt, đồ ăn nhanh. Đặc biệt, với trẻ em mắc bệnh tự kỷ, vấn đề này có thể trở nên phức tạp hơn. Việc thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu, nhất là vitamin A và B12, đã góp phần các dây thần kinh thị giác của cậu bé bị thoái hóa, gây mù vĩnh viễn.

Cha mẹ của cậu bé đã đưa con trai đến bệnh viện, nơi các xét nghiệm cho thấy cậu thiếu các dưỡng chất thiết yếu đối với thị giác. Các dây thần kinh của cậu đã bắt đầu thoái hóa từ lâu và hoàn toàn hoại tử khi cậu đến bệnh viện. Mặc dù được bổ sung vitamin và khoáng chất, các bác sĩ lo ngại tình trạng của cậu bé đã quá nghiêm trọng, không thể phục hồi được nữa.

"Thật không may, sự thoái hóa dây thần kinh thị giác của bệnh nhân rất nghiêm trọng," các nhà nghiên cứu viết. "Không thể cứu chữa được nữa khi phát hiện ở giai đoạn muộn thế này. Nếu được điều trị sớm hơn, có thể thị lực của cậu bé đã được cải thiện”.

burger-fries-1731381350.webp
Chế độ ăn uống thiếu chất dinh bao gồm các đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt có thể gây nguy hiểm cho trẻ em. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian nằm viện, cậu bé được bổ sung vitamin A, C, D, và K, cùng với canxi, thiamine, đồng và kẽm, cũng như bổ sung thêm rau diếp và phô mai trong bánh mì kẹp thịt, món ăn quen thuộc của cậu bé. Cha mẹ cậu cũng cho thêm những dưỡng chất bổ sung vào nước ép, nhưng sau một thời gian, cậu bé nhận ra vị lạ và bỏ đi thứ đồ uống này.

Thật không may, dù đã có những cải thiện trong chế độ ăn uống và bổ sung dưỡng chất, nhưng các biện pháp này không được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi thị lực của cậu bé.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Boston cho biết cậu bé mắc chứng Rối loạn Hạn chế/Tránh ăn uống (ARFID), một rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến khoảng một nửa trẻ em mắc chứng tự kỷ ở các mức độ khác nhau. Đây là một trường hợp khó, nhưng chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất. Những đứa trẻ mắc bệnh tương tự đã được báo cáo trước đó, cả ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Rối loạn ARFID khiến trẻ em hạn chế hoặc từ chối ăn một số loại thực phẩm nhất định do lo ngại về kết cấu, mùi vị, hoặc cảm giác của chúng. Trong trường hợp của cậu bé này, chứng ám ảnh với các kết cấu thực phẩm khiến cậu chỉ ăn một số món ăn chế biến sẵn, chủ yếu là thực phẩm nhanh, điều này đã dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng các dưỡng chất thiết yếu. ARFID có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.