“Làm thêm hè” thành bị bắt cóc qua biên giới
Peng Yuxuan, 19 tuổi, đến từ thành phố Hán Trung (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), vừa hoàn thành kỳ thi đại học quốc gia gaokao lần hai vào tháng 6. Vì muốn kiếm thêm tiền trong kỳ nghỉ hè, cậu mang theo 800 nhân dân tệ (tương đương khoảng 2,7 triệu đồng) đến Tây An tìm việc làm.
Tại đây, Peng quen một người phụ nữ trên ứng dụng tìm việc, người này giới thiệu rằng cô đang tuyển các host livestream và khen Peng có ngoại hình sáng, có thể kiếm được nhiều tiền. Cô ta ngỏ ý chi trả toàn bộ chi phí đi lại và mua vé máy bay đưa cậu đến tỉnh Vân Nam, giáp biên giới Myanmar.
Ngày 1/7, Peng nhắn tin cho bạn thân là Xiaojia, thông báo đã đến thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Cậu nói người phụ nữ tuyển dụng đã đặt phòng khách sạn cho mình và liên tục khẳng định “rất an toàn, tự do” và “sắp kiếm được nhiều tiền”.

Tuy nhiên, Peng tránh tiết lộ rõ công việc mình đang làm và nhờ bạn không nói với cha mẹ. Trong vài ngày sau đó, Peng vẫn liên lạc qua mạng xã hội, gửi hình ảnh các bữa ăn, vị trí hiện tại để trấn an bạn bè.
Ngày 4/7, Peng gửi vị trí cuối cùng từ cảng Meng’a, cửa khẩu lớn tại thành phố Phổ Nhĩ, giáp biên giới Myanmar, rồi hoàn toàn im lặng.
Vài ngày sau, mẹ của Peng gọi điện thì đầu dây bên kia là một người lạ xưng từ Myanmar. Nghi ngờ con trai bị buôn sang biên giới, bà lập tức báo cảnh sát.
Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý toàn quốc, lực lượng chức năng Trung Quốc phối hợp với Myanmar điều tra. Theo Hongxing News, sau khi đến Vân Nam, Peng bị đưa qua tay hơn 10 người, cuối cùng lọt vào một khu tổ hợp lừa đảo ở Myanmar.
Dù không bị ép tham gia lừa đảo, Peng bị cạo trọc đầu. Điều bất ngờ là sau đó, tên cầm đầu băng nhóm đến gặp cậu, hỏi han về quá khứ và biết được Peng vừa thi đại học xong. Hắn nói: “Cậu còn trẻ, có tương lai. Không nên ở chỗ này”.
“Hãy học thật giỏi và sống tốt với cha mẹ”
Theo lời kể của Peng, tên cầm đầu nói với cậu rằng băng nhóm “kiếm tiền có lương tâm”, và sau đó cho phép cậu rời đi. “Anh ta nói tôi hãy học chăm chỉ, ngoan ngoãn với cha mẹ”, Peng chia sẻ.
Không rõ vì sao nhóm tội phạm lại biết Peng vừa thi đại học, nhưng sau khi được thả, cậu được binh sĩ Myanmar chở ra khỏi khu lừa đảo và hướng dẫn tìm đến Quân đội Liên minh bang Wa (UWSA).

Trên đường đi, Peng gặp một người đàn ông tốt bụng đã cho cậu thức ăn, thuốc men rồi đưa đến Ủy ban Tư pháp của UWSA. Tại đây, chính quyền Wa liên hệ với phía Trung Quốc để tiến hành bàn giao.
Ngày 20/7, lực lượng UWSA đã trao trả 20 nghi phạm lừa đảo người Trung Quốc và 29 nạn nhân được giải cứu, trong đó có Peng, tại cửa khẩu Meng’a.
Câu chuyện hy hữu của Peng lập tức lan truyền mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hơn 100 triệu lượt xem.
Một cư dân mạng nhận xét: “Cậu ấy may mắn trong một tình huống đầy rủi ro. Tên trùm kia chẳng phải tốt bụng gì, chỉ là muốn làm nhẹ tội trạng thôi”.
Người khác bình luận: “Giới trẻ cần tỉnh táo, đặc biệt là học sinh ít kinh nghiệm xã hội. Không có chuyện giàu nhanh trong một sớm một chiều đâu”.
Thực tế, miền Bắc Myanmar đã trở thành trung tâm lừa đảo viễn thông với hàng trăm khu tổ hợp. Theo Liên Hợp Quốc, năm 2023 có khoảng 120.000 người bị lừa bán vào các trung tâm lừa đảo tại khu vực này. Nạn nhân thường là thanh niên Trung Quốc và các nước lân cận, bị dụ dỗ bởi những công việc “lương cao, nhẹ nhàng” và sau đó bị giam lỏng, đe dọa, đánh đập.