Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chính sách hỗ trợ đào tạo đang thu hút sinh viên nghành sư phạm

Thực tế, ngay ở thời điểm đăng ký xét tuyển Đại học năm học 2024-2025, khối nghành sư phạm đã ghi nhận số lượng hồ sơ tăng cao đột biến. Một trong những nguyên nhân khiến các trường đào tạo giáo viên “hút” thí sinh nằm ngay ở chính sách hỗ trợ đào tạo sinh viên.

Đến hôm nay, hầu hết các trường đại học (ĐH) trên cả nước đều đã hoàn tất công bố điểm chuẩn theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đáng chú ý, năm nay điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên đều ở mức cao, nhiều trường ở mức kỷ lục.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có đến 3 ngành lấy điểm chuẩn trên 29 (thang điểm 30 theo tổ hợp ba môn thi), dẫn đầu là sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử với 29,3 điểm, sư phạm Địa lý 29,05 điểm. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ghi nhận điểm chuẩn nghành sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử là 28,6, kế đến là sư phạm Địa lí với 28,37 điểm. Ở mức tương tự, hai ngành có điểm chuẩn cao nhất tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử, đều có điểm chuẩn 28,83 điểm.

Thực tế, điểm chuẩn các trường Sư phạm ở mức cao là điều đã được dự báo từ trước khi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng đến 85% so với năm ngoái (khoảng 200.000 nguyện vọng - theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo) – cao nhất trong vòng 4 năm qua.

Tất cả những điều này cho thấy sức hút mạnh trở lại của nhóm nghành Sư phạm.

Nhận định về nguyên nhân của xu hướng chọn ngành đào tạo giáo viên để  theo học, PGS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: "Sự thay đổi này nằm ngay ở chính sách hỗ trợ đào tạo sinh viên, Nghị định 116. Không phải đến năm nay, số lượng thí sinh đăng ký vào các trường Sư phạm mới tăng mà từ vài năm trở lại đây đã có xu hướng này, nhất là từ khi có chính sách hỗ trợ học phí cũng như phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên".

sv3-1724228131.jpg

Chính sách hỗ trợ đào tạo là nguyên nhân "hút" thí sinh.

Được biết, Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm - có hiệu lực từ năm học 2021-2022, nêu rõ: Sinh viên Sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Bên cạnh đó, thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

Theo PGS Nguyễn Văn Thụ, Nghị định trên ra đời là thời điểm "đánh dấu" sức hút của nghành Sư phạm tăng trở lại. "Thời điểm trước và sau khi có Nghị định 116, lượng thí sinh đăng ký cũng như sinh viên theo học các trường Sư phạm đã có sự thay đổi rõ rệt theo hướng tăng dần theo từng năm" - Trưởng phòng Đào tạo trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 khẳng định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: "Đây là chính sách rất tốt cho các sinh viên trường Sư phạm, nó ảnh hưởng rất lớn đến lựa chọn của các em học sinh. Việc được hỗ trợ sẽ giảm tải cho các em rất nhiều, đặc biệt đối với những gia đình còn khó khăn". Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng đánh giá rất cao về sự chuyển dịch xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của các thí sinh: "Đây là một điều rất đáng mừng, những chính sách này đã thu hút học sinh và đặc biệt là học sinh giỏi. Có giáo viên giỏi thì mới có học sinh giỏi, con người giỏi" - vị nguyên Thứ trưởng nói.  

Thực tế cho thấy, với chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo như trên, rất nhiều thí sinh và phụ huynh có những “ưu ái” nhất định trong quyết định lựa chọn theo học nhóm nghành Sư phạm. Tân sinh viên trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, Nguyễn Thảo Vi (Nghĩa Lộ, Yên Bái) vui vẻ cho biết: “Trước khi nộp hồ sơ xét tuyển thì em cũng có cân nhắc một số trường và nghành đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, những hỗ trợ trong thời gian học tập là một trong những lý do lớn nhất để quyết định lựa chọn ngành học sư phạm”.

Được biết, Vi đạt điểm số 26,85 tổ hợp môn thi C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân). Với điểm số này, thí sinh Nguyễn Thảo Vi hoàn toàn đủ điểm chuẩn xét tuyển những nghành đào tạo khác trong số những lựa chọn ban đầu. Rõ ràng, việc không phải lo lắng đến học phí trong những năm tháng giảng đường và khoản hỗ trợ hàng tháng - "đặc quyền" của nhóm nghành đào tạo giáo viên, đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của thí sinh trong lựa chọn nghành học.

thay-xuan-nhi-1724228329.jpg

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ trong thời gian đào tạo, mức thu nhập nghề nghiệp tương lai của sinh viên nghành Sư phạm cũng sẽ được đảm bảo. Bởi mới đây nhất, tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu rõ: thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng. Áp dụng vào thực tiễn, từ sau ngày 1/7, bảng lương thu nhập của giáo viên đã tăng lên. Theo đó, mức lương cao nhất của giáo viên tiểu học có thể lên đến 11,6 triệu đồng đối với giáo viên tiểu học hạng III; 15,8 triệu đồng đối với giáo viên tiểu học hạng I; thu nhập của các cô giáo THCS và THPT cũng ở mức tương tự. Đây là lần tăng cao nhất đối với nhóm nghành nghề Sư phạm.

Có thể thấy, sau thực trạng nhiều giáo viên xin nghỉ việc (theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 - tháng 8/2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc), Nhà nước đã có những điều chỉnh chính sách thiết thực, sát với thực tế nhằm nâng cao đời sống của các thầy cô giáo. Từ đó, nhóm nghành Sư phạm đang trở lại là một trong những lựa chọn hàng đầu cho nghề nghiệp tương lai của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa mới.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đánh giá: "Bất kỳ sinh viên nào cũng muốn có công việc ổn định khi ra trường và có mức thu nhập tốt. Đối với ngành Sư phạm, chính sách mới rất quan tâm đến thu nhập của giáo viên. Vì vậy, việc ưu tiên lựa chọn nghành nghề Sư phạm theo tôi thấy là điều hợp lý".