Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Chở người bệnh đi cấp cứu vi phạm giao thông, tài xế có bị xử phạt không?

Chở người bệnh đi cấp cứu vi phạm giao thông, tài xế có bị xử phạt không là câu hỏi mà nhiều người quan tâm vì thực tế có những tình huống phát sinh do cấp bách...
bai-tranngoc-xecuuthuongchui-h2-5521-5329jpg-1753658241.webp
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Trên báo Dân trí, ngày 27/7, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết vừa tiếp nhận và giải quyết một trường hợp lái xe vi phạm tốc độ từ 10km/h đến 20km/h trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do chở người nhà đi cấp cứu từ xã Giao Hưng, tỉnh Ninh Bình đi tới Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Theo đó, lúc 10h52 ngày 12/5, tại km201+200 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, một tài xế ô tô BKS 18C-180.xx điều khiển xe chạy quá tốc độ trên đường cao tốc từ 10km/h đến 20km/h.

Theo Cục CSGT, trường hợp này thuộc tình thế cấp thiết nên CSGT đã không xử phạt vi phạm hành chính với tài xế, do người lái xe đang chở người đi cứu, đòi hỏi phải kịp thời nên đã vi phạm tốc độ.

Nhà chức trách viện dẫn, tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa (tại khoản 11, Điều 2 luật xử lý vi phạm hành chính).

Tuy nhiên, qua thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ, lực lượng CSGT vẫn ghi nhận vi phạm của phương tiện và gửi thông báo cho chủ phương tiện nêu trên, đồng thời thực hiện cảnh báo vi phạm theo quy định.

Khi chủ xe nhận được thông báo vi phạm, tài xế đã đến làm việc với Đội 3, Cục CSGT và có đơn trình bày kèm theo các giấy tờ có liên quan, để chứng minh việc chở người bệnh đi cấp cứu.

Cục CSGT cho biết, cảnh sát sau đó đã tiến hành xác minh sự việc, khi nhận thấy những trình bày của lái xe và các tài liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh là chính xác, nên đã ra quyết định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp trên.

Quá trình xác minh làm rõ vụ việc của lực lượng chức năng theo quy định là không quá 60 ngày.

Báo Thanh niên cũng từng đưa một tình huống cụ thể, khoảng 16 giờ 20 phút ngày 9.6, ông Nguyễn Tiến Thành (46 tuổi, ngụ P.10, TP.Đà Lạt) lái ô tô biển kiểm soát 49A-738.14, trên đường từ xã Tà Nung về TP.Đà Lạt, khi đang lên đèo Tà Nung (Đà Lạt) thì chứng kiến một thanh niên điều khiển xe máy tự té xe nên bị chấn thương sọ não, lòi mắt phải ra ngoài.

Ông Thành dừng ô tô đưa người bị nạn lên xe chở đến Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cấp cứu, vì tính khẩn cấp ông đã vượt đèn đỏ để đến được bệnh viện nhanh nhất. Sau khi cứu được người, ông Thành lại lo sợ bị CSGT phạt nguội.

Xung quanh vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Tiếp, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cho rằng qua Báo Thanh Niên ông đã nắm được vụ việc. Ông cử ngay tổ công tác xác minh, rà soát camera xem có đúng ô tô biển kiểm soát 49A-738.14, do ông Thành điều khiển chở người đến bệnh viện cấp cứu hay không; đồng thời tới Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng xác minh cụ thể.

"Nếu đúng ông Thành đã đưa người bị nạn đi cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm đến tính mạng sẽ có thể không bị xử phạt vi phạm hành chính (vượt đèn đỏ)", ông Tiếp cho biết thêm.

Liên quan vụ việc này, luật sư Lê Cao Tánh (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tài xế vượt đèn đỏ để chở người đi cấp cứu có thể không bị phạt nếu hành vi đó được xác định là tình thế cấp thiết. Điều 11 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định một trong những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính là khi "thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết". Chở người đi cấp cứu, đặc biệt là trong những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng, thường được xem là tình thế cấp thiết.

Để được miễn phạt, tài xế cần có khả năng chứng minh hành vi vượt đèn đỏ của mình là vì mục đích cấp cứu khẩn cấp. Các bằng chứng có thể bao gồm: xác nhận của bệnh viện nơi tài xế đã đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại thời điểm đó; lời khai của người đi cùng hoặc nhân chứng (nếu có) xác nhận tình huống cấp bách.

Mặt khác, dữ liệu trích xuất từ camera hành trình (hoặc camera an ninh), trong trường hợp bị phạt nguội, tài xế có thể liên hệ với cơ quan chức năng để trình bày và cung cấp bằng chứng. Thực tế, nhiều trường hợp đã được gỡ bỏ phạt nguội khi chứng minh được mục đích là cấp cứu.

Luật sư Tánh nhấn mạnh: "Nếu tài xế vượt đèn đỏ vì mục đích cấp cứu khẩn cấp và có thể chứng minh được điều đó, sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, luôn ưu tiên đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và những người xung quanh".

Mỹ Anh (t/h)